Monday, April 18, 2016

Tranh luận công khai Cờ Vàng, Cờ Đỏ (phần 1)

Tranh luận về biểu tượng của cờ vàng ba sọc đỏ của chính thể miền Nam Việt Nam trước 1975 và cờ đỏ sao vàng của nhà nước Việt Nam hiện hữu luôn là đề tài nóng, gây bức xúc. Sự chọn lựa treo cờ đỏ của một đại học Hoa Kỳ ở bang California là đề tài thảo luận giữa du sinh Việt Nam và sinh viên gốc Việt địa phương về sự biểu trưng cho hai cộng đồng và những gắn bó sâu đậm của hai sắc màu.
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
Flags_red-yellow_305.jpg
Lá cờ đỏ sao vàng treo chung cùng các lá cờ khác tại toà nhà VKC trong khuôn viên đại học USC, ở miền Nam bang California.
RFA PHOTO do Thiện Giao 
 
Phóng viên Thiện Giao thu nhận nhận định và tâm tư của hai khối người trẻ Việt từ miền Nam California, Hoa Kỳ, trong loạt 3 bài về buổi công khai thảo luận.
Cuộc thảo luận mang tên “ Căn Cước, Tính Đa Dạng và Sự Đại Diện Công Bằng ” được Liên Hội Sinh Viên Hoa Kỳ Gốc Châu Á Thái Bình Dương tại đại học University of Southern California, gọi tắt là USC, tổ chức vào chiều 21 tháng Tư vừa qua.
Điều chúng tôi muốn là tìm kiếm một thể thức đa chiều cho một vấn đề. Tức là không nhất thiết phải có một bên sai, còn bên kia nhất thiết phải đúng.
Daniel Wu, liên hội sinh viên tại USC
Diễn giả chính của buổi thảo luận là đại diện hai nhóm sinh viên Việt Nam tại đại học USC. Một nhóm có tên viết tắt là VISA, gồm những sinh viên từ Việt Nam sang Hoa Kỳ du học. Nhóm thứ hai có tên là VSA, gồm những sinh viên Hoa Kỳ gốc Việt.
Cuộc thảo luận bắt nguồn từ việc một lá cờ đỏ sao vàng được treo tại toà nhà Von Kleinsmid Center, gọi tắt là VKC, trong khuôn viên đại học USC. Thật ra, lá cờ này có tại đây đã lâu, với mục đích đại diện cho sinh viên từ Việt Nam sang Hoa Kỳ du học. Gần đây một số nhà hoạt động cộng đồng tại Little Saigon, miền Nam California, trình bày việc này đến đại học USC, và yêu cầu hạ lá cờ đỏ xuống. Yêu cầu ấy không được nhà trường chấp thuận.
Một đại diện của Liên Hội Sinh Viên Hoa Kỳ Gốc Châu Á Thái Bình Dương, tên là Daniel Wu, cho biết rằng có người gọi đây là cuộc tranh luận, nhưng  ban tổ chức khẳng định đây là một cuộc thảo luận cho 2 nhóm sinh viên Việt Nam: “Chúng tôi gọi đây là cuộc thảo luận hơn là một cuộc tranh luận. Tranh luận có thể hàm ý phải có một bên đúng và một bên sai. Điều chúng tôi muốn là tìm kiếm một thể thức đa chiều cho một vấn đề. Tức là không nhất thiết phải có một bên sai, còn bên kia nhất thiết phải đúng.”
Người Mỹ gốc Việt và người Việt Nam trong nước không đối thoại với nhau. Và diễn đàn hôm nay là cơ hội tốt để hai thành phần nói chuyện với nhau.
        giáo sư Việt Nguyễn
Có mặt tại buổi thảo luận, ngoài sinh viên Việt Nam du học và sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, còn có sinh viên của hội sinh viên các sắc tộc khác cùng tham dự. Trong vai trò đóng góp ý kiến,  có 2 giáo sư tại đại học USC , tiến sĩ Việt Nguyễn, Giáo Sư Anh Ngữ và chuyên ngành Nghiên Cứu Hoa Kỳ và nữ giáo sư Janet Hoskins, dạy Ngành Nhân Chủng Học, và là người có nhiều nghiên cứu chuyên khu vực Đông Nam Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, Lào và Cambodia.
Giáo sư Việt Nguyễn mở lời buổi thảo luận bằng nhận định:
“Tôi tin rằng đây là một sự kiện cột mốc, vì những gì mà chúng ta đề cập đến hôm nay là những gì đã xảy ra trong cộng đồng Việt Nam từ năm 1975 đến nay, đúng vào thời điểm một khối lượng lớn người Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ. Từ những năm 1990, những vấn đề, chẳng hạn, ngụ ý của lịch sử về cuộc chiến là gì cộng đồng Hoa Kỳ gốc Việt đại diện điều gì, là những vấn đề được để ý trong cộng đồng cũng như trong khuôn viên đại học. Nhớ lại những năm tháng ấy, điều đầu tiên mà tôi muốn nhấn mạnh, người Mỹ gốc Việt và người Việt Nam trong nước không đối thoại với nhau. Và diễn đàn hôm nay là cơ hội tốt để hai thành phần nói chuyện với nhau.”

Lá cờ tượng trưng cho quốc gia hay cho cộng đồng

Anh Nguyễn Văn Vũ, sinh viên tiến sĩ ngành Khoa Học Vi Tính tại USC, đại diện cho sinh viên du học, mở đầu phần phát biểu. Vũ đề cập đến lịch sử Việt Nam, và khẳng định anh muốn tiếng nói của sinh viên du học được lắng nghe tại trường đại học mà họ đang theo học:
Lá cờ đỏ đại diện cho chúng tôi, những sinh viên du học. Và lá cờ ấy được quốc tế thừa nhận. Đối với chúng tôi, cờ đỏ sao vàng là cờ quốc gia chính thức của Việt Nam.
        du sinh Nguyễn Văn Vũ
“Người Việt Nam trải qua một lịch sử đau thương, đặc biệt trong giai đoạn thế kỷ 20. Người dân cả hai miền Nam và Bắc đều trải qua và bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Chúng tôi lớn lên và được giáo dục tại Việt Nam. Tôi đến từ Việt Nam, được giáo dục trong một nền giáo dục khác với Hoa Kỳ, nhưng tôi nhận ra rằng, cả hai phía đều bị ảnh hưởng. Sau năm 1975, rất nhiều người lại tiếp tục trải qua khó khăn để lại từ chiến tranh. Về chuyện lá cờ, theo tôi, điều quan trọng là chúng tôi, trong tư cách những sinh viên du học, được thừa nhận; tiếng nói của chúng tôi được nghe và được thừa nhận. Đây là cơ hội cho chúng ta lắng nghe những ý kiến khác biệt, cụ thể là ý kiến của hai phía, sinh viên du học và sinh viên Hoa Kỳ gốc Việt.”
Những sinh viên Hoa Kỳ gốc Việt, không cảm thấy là cờ đó đại diện cho mình.
        sinh viên gốc Việt Chris Trần
Đại diện sinh viên Hoa Kỳ gốc Việt là Chris Trần, sinh viên năm cuối ngành Vi Tính, nói thẳng rằng lá cờ đỏ sao vàng không đại diện cho sinh viên gốc Việt. Anh đưa ra các giải pháp thay thế cho việc chỉ có lá cờ đỏ, mà không có cờ vàng, được treo trong toà nhà VKC của trường: “
“Điều đầu tiên mà tôi muốn nói, là người ta hiểu lầm ý định của Hội Sinh Viên Hoa Kỳ gốc Việt tại đây. Chúng tôi không đòi hỏi trường hạ lá cờ ngoài kia, vì chúng tôi hiểu rằng sinh viên Việt Nam du học tại đây được đại diện bởi lá cờ ấy. Chúng tôi không có quyền đòi hỏi trường hạ bất cứ là cờ nào đại diện cho một ai đó. Nhưng, chúng tôi, những sinh viên Hoa Kỳ gốc Việt, không cảm thấy là cờ đó đại diện cho mình. Chúng tôi đưa ra đây 2 đề xuất. Đề xuất thứ nhất là, chúng tôi muốn thấy cả 2 lá cờ được đưa lên để tất cả các sinh viên đều được đại diện. Hoặc là, hạ tất cả cờ để chúng ta không phải lâm vào các tình huống mang tính chính trị có thể gây đau đớn cho nhiều thành viên trong cộng đồng.””
080427-Flags1_305.jpg
Diễn giả tại buổi tranh luận “Căn Cước, Tính Đa Dạng và Sự Đại Diện Công Bằng” tại USC. Từ trái: Nguyễn Văn Vũ (đại diện du sinh), Giáo sư Janet Hoskins, Giáo sư Việt Nguyễn, Chris Trần (đại diện sinh viên gốc Việt). (Hình: Thiện Giao)
 
Cuộc thảo luận bắt đầu căng thẳng hơn khi phía sinh viên du học quan ngại về giải pháp hạ tất cả các lá cờ đang được treo. Điều này đồng nghĩa với việc cờ đỏ cũng sẽ bị hạ. Anh Vũ nói rằng Đại học USC là một trong những trường thu hút nhiều sinh viên quốc tế nhất Hoa Kỳ. Vì thế, treo cờ đại diện là hình thức mà đại học USC thừa nhận tính đa dạng cũng như các quan điểm khác biệt:
“ Khởi thuỷ, cộng đồng yêu cầu hạ lá cờ đỏ xuống. Chúng tôi quan ngại về điều này. Nếu điều này xảy ra, lòng tự trọng của chúng tôi bị tổn thương. Lá cờ ấy đại diện cho chúng tôi, những sinh viên du học. Và lá cờ ấy được quốc tế thừa nhận. Đối với chúng tôi, cờ đỏ sao vàng là cờ quốc gia chính thức của Việt Nam. Và lá cờ đó đại diện chúng tôi, những sinh viên du học đến từ Việt Nam. Chúng tôi không thấy có là cờ nào đại diện đầy đủ cho chúng tôi hơn lá cờ đó.”
Anh Chris Trần đáp lời rằng, trước khi tranh luận về việc lá cờ nào sẽ được treo trong khuôn viên USC, phía sinh viên cần tìm hiểu xem chính sách treo cờ của đại học được xây dựng trên tôn chỉ nào: “
“Câu hỏi của chúng tôi là: những lá cờ ngoài kia chỉ đại diện cho sinh viên du học, hay đại diện tất cả những sinh viên đang theo học tại đây. Tôi cho rằng chúng ta phải làm rõ điều này với Ban Giám Hiệu nhà trường vì điều này giải thích lý do tại sao có những lá cờ đang treo ngoài kia. Nếu tất cả các sinh viên đều có biểu tượng đại diện, thì chúng tôi, những sinh viên Hoa Kỳ gốc Việt không cảm nhận được đại diện như những sinh viên khác.”
Điều mà anh Chris nêu ra có nghĩa là anh muốn lá cờ vàng cũng phải được treo, để tất cả mọi sinh viên đều được quyền có đại diện. Tuy nhiên, đề xuất của Chris gặp phải sự bất đồng từ phía sinh viên du học. Đại diện du sinh Nguyễn Văn Vũ nói rằng Hoa Kỳ có rất nhiều cộng đồng, nếu đại học USC treo tất cả cờ cộng đồng, thì trường phải có một nơi lớn hơn để làm điều này. Vũ tin là USC chỉ treo những lá cờ đại diện sinh viên quốc tế đến từ nước ngoài. Còn những sinh viên Hoa Kỳ gốc Việt đã có cờ Hoa Kỳ.
Phát biểu của sinh viên du học không được sự tán đồng của phía sinh viên Hoa Kỳ gốc Việt. Chris Trần nhận định rằng, có những quốc gia được thừa nhận bởi Liên Hiệp Quốc, có sinh viên đang theo học tại USC nhưng không có cờ quốc gia của họ tại đây.
Giáo sư Việt Nguyễn cho biết, ông ngạc nhiên và hoàn toàn ủng hộ ý kiến của Chris Trần. Ông cũng nói rằng các sinh viên du học đưa ra một vấn đề hợp lý, đó là nhu cầu được thừa nhận là sinh viên của một quốc gia đang tồn tại, mà lịch sử chiến tranh của họ là quan trọng đối với nhiều người. Về giải pháp treo cả hai lá cờ hoặc không có là cờ nào cả, giáo sư Việt nhận định đây là ý tưởng dung nạp thú vị, mà thường thường lại không được khuyến khích trong các cộng đồng gốc Việt.

1 comment:

  1. Cờ đỏ sao vàng là lá cờ của nhà cầm quyền miền Bắc Lá cờ này đại diện cho cái tinh thần gian xảo, lường gạt toàn thể những ai sinh sống ngoài Bắc.
    Cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của nước VN CH mà chính phủ nước VN CH gồm những người lương thiện, hiền hòa đầy chử tín.
    Trong cuộc chiến VN, mổi khi một trận chiến nổ ra, tất cả người dân đều bồng bế con cái chạy giặc và họ luôn luôn chạy về phía có lá cờ vàng ba sọc đỏ để được
    che chở và giúp đở bảo vệ.
    Xem thế cờ vàng ba sọc đỏ là xứng đáng đại diện cho tất cả NHỮNG AI LÀ NGƯỜI VIỆT-Nam.

    ReplyDelete