Kính Dâng lên hương hồn những Kỵ Binh thuộc Chi Đoàn 2/19 Thiết Kỵ
đã anh dũng đền nợ nước tại Mặt Trận Khánh Dương.
đã anh dũng đền nợ nước tại Mặt Trận Khánh Dương.
Bài
viết nầy để phản bác lại những tin tức, những nhận định sai lạc của Đại
Úy Võ Trung Tín thuộc Lữ Đoàn 3 ND trong bài “Mặt trận Khánh Dương: 19
tháng Ba đến 2 tháng Tư, 75” đăng trên báo Người Việt và
nguoivietonline. Và cũng để trả lại danh dự cho những Kỵ Binh đã bị sát
hại bởi những người lính thuộc Lữ Đoàn 3 ND tại mặt trận Khánh Dương.
[Trích Dẫn]
Mặt trận Khánh Dương: 19 tháng Ba đến 2 tháng Tư, 75
Lực lượng địch:
– SÐ F10 chủ lực tấn công BMT.
– SÐ320 đã bị thiệt hại nặng khi đụng độ với nhảy dù ở Thượng Ðức.
– SÐ316 CSBV từ Nam Lào tiến sang.
– 5 trung đoàn pháo binh gồm 48 khẩu pháo đủ loại và phòng không.
– 1 trung đoàn chiến xa, một trung đoàn đặc công.
– 2 trung đoàn công binh, một trung đoàn thông tin.
Lực lượng bạn:
– Trung Ðoàn 40/SÐ22 Bộ Binh do Ðại Tá Thiều làm trung đoàn trưởng.
– Lữ Ðoàn 3 Nhảy Dù, LÐT là Trung Tá Lê Văn Phát gồm:
- Tiểu Ðoàn 2 Nhảy Dù, TÐT Thiếu Tá Trần Công Hạnh.
- Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù, TÐT Trung Tá Bùi Quyền.
- Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù, TÐT Trung Tá Nguyễn Văn Thành.
- Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù, TÐT là Thiếu Tá Nguyễn Văn Triệu.
- Ðại Ðội 3 Trinh Sát Nhảy Dù, ÐÐT là Ðại Úy Nguyễn Viết Hoạch.
– 1 chi đoàn M113.
Diễn tiến:
Ngày 29 Tháng Ba 1975 vào lúc 3 giờ sáng, pháo binh cộng sản đủ loại
dập lên tuyến phòng thủ của Tiểu Ðoàn 5 và 6 Nhảy Dù sau đó cộng quân
tập trung toàn lực lượng biển người với các Sư Ðoàn 316, 320 và F10
quyết dứt điểm LÐ3ND từ 3 phía. LÐT/LÐ3ND ra lệnh cho các đơn vị trực
thuộc lập “phòng tuyến thép” không lui. Cho đến 21 giờ đêm 4 chiếc Thiết
Vận Xa M113 tự ý rời khỏi vị trí được chỉ định liền bị bắn cháy ngay
tức khắc. Ðó là kỷ luật thép của “Ðoàn Quân Mũ Ðỏ” khi lâm chiến.
TÐ5ND do Trung Tá Bùi Quyền TÐT và Thiếu Tá Võ Trọng Em làm TÐP bị
Trung Ðoàn 28 CSBV vây hãm và tràn ngập. Thiếu Tá Võ Trọng Em đã hướng
dẫn được khoảng 200 chiến sĩ lui vào rừng, vượt núi xuyên rừng về Nam, 5
ngày sau toán quân này mới được trực thăng giải cứu bốc về Phan Rang,
một số quân ND khác tháp tùng Thiết Ðoàn M113 về được Dục Mỹ.
Đại Úy Võ Trung Tín
[Hết Trích Dẫn]
Chưa
bàn đến nội dung với một bố cục đầu cua tai nheo, dây cà ra dây muống
của bài viết mà chỉ bàn đến phần in đậm trong phần trích dẫn đã thấy
lòng kiêu hãnh (dỏm) của một chiến binh Nhảy Dù (ND). Ai cũng biết binh
chủng Nhảy Dù là lực lượng tổng trừ bị của QLVNCH, một trong những đơn
vị Bộ Binh (BB) thiện chiến nhất của QLVNCH. Nhưng không phải vì niềm tự
hào lòng kiêu hãnh mà có những lời nói, những bài viết xúc phạm đến
danh dự của một binh chủng bạn. Nhất là những Kỵ Binh đã đền xong nợ
nước trong mặt trận Khánh Dương.
Trước hết Ngụy tôi xin nói qua về hợp đồng binh chủng hay đúng hơn là
Nhị Thức Bộ Binh và Thiết Giáp. Đây là một sự kết hợp tuyệt vời hổ tương
lẫn nhau. Bộ Binh cần hỏa lực mạnh của Thiết Giáp và Thiết Giáp cần Bộ
Binh để thanh toán, lục soát cũng như bảo vệ Thiết Giáp. Trong sự hợp
đồng ai cấp bậc cao hơn người đó chỉ huy. Nếu đồng cấp bậc thì tùy theo
tình hình và đặc tính chiến trường mà Bộ Binh hoặc Thiết Giáp chỉ huy.
Tại sao có sự phối hợp đó? BB không thể đem theo những khẩu súng cộng
đồng nặng nề đến chiến trường được. Thiết Giáp với hỏa lực hùng hậu và
tính di động nhanh đã bổ khuyết cái thiếu sót của BB. BB rất cần sự yểm
trợ của Thiết Giáp về hỏa lực và tính di động. Nhiều khi Thiết Giáp đã
trở thành lực lượng xung kích bằng tính di động nhanh mang BB trên lưng
và xung phong vào mục tiêu cùng BB thanh toán chiến trường cùng lúc.
Trở lại chuyện bắn cháy 4 M113. Ai có thẩm quyền bắn cháy? Và khi nào
thì bắn cháy? Cở cấp đại úy như tác giả hay tiểu đoàn trưởng hoặc lữ
đoàn trưởng chưa đủ thẩm quyền để ra lệnh bắn. Tư lệnh quân đoàn mới đủ
thẩm quyền ra lệnh bắn cháy. Nhưng không ai ra cái lệnh ngu ngốc đó. Tại
sao? Bởi vì theo tác giả thì có một chi đoàn M113 tham chiến có nghĩa
là tăng phái cho Lữ Đoàn 3 ND. Như vậy thì Trung Tá Lê Văn Phát là cấp
chỉ huy, là người trực tiếp ra lệnh cho Chi Đoàn Thiết Kỵ (TK) M113. Một
chi đoàn TK có 3 chi đội TK và 1 chi đội yểm trợ trang bị súng cối 81
ly ngoài những khẩu đại liên thiết kế phía trên. Mỗi chi đội TK có 4
M113 Khinh Kỵ và 1 trang bị SKZ 106 ly. Như vậy 4 M113 là một chi đội.
Trên nguyên tắc chi đội trưởng không nhận lệnh trực tiếp từ Nhảy Dù mà
nhận lệnh trực tiếp từ Chi đoàn trưởng Thiết Giáp. Đại úy Võ trung Tín
phải am tường hệ thống hàng ngang và hàng dọc. Tại sao chỉ có 4 M113 tại
tuyến phòng thủ. Còn lại những Chi đội khác và Chi đoàn trưởng ở đâu?
Có thể lữ đoàn trưởng ND đã cắt nhỏ Chi đoàn ra. Như thế rất là ngu xuẩn
vì Thiết Giáp chỉ hoạt động hữu hiệu khi còn nguyên toàn khối. Cắt nhỏ
ra, Thiết Giáp dễ bị tiêu diệt và hỏa lực không còn hùng hậu. Khổ nổi
mấy ông BB thường lo cho đơn vị của họ mà không cần biết đến các đơn vị
tăng phái. Bài học đó các tướng lãnh BB học hoài không thuộc. Tướng
& SQ BB không đủ khả năng chỉ huy Thiết Giáp nhưng các SQ hoặc tướng
lãnh Thiết Giáp thì chỉ huy BB rất dễ dàng. Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá Tư
lệnh SĐ23, SĐ25 BB. Tướng Nguyễn Văn Toàn TL SĐ2, 1BB. Tướng Hoàng Xuân
Lãm TL SĐ2BB, Tướng Nguyễn Duy Hinh TL SĐ3BB, Tướng Vỉnh Lộc TL SĐ9BB,
Chuẩn Tướng Lê Đức Đạt TL SĐ22BB…. Trong cuộc rút quân trên Liên Tỉnh Lộ
7B, Tướng Phạm Duy Tất gốc Lực Lượng Đặc Biệt đã cắt nhỏ Lữ Đoàn II KB
ra tăng phái cho từng đơn vị nhỏ BB và Thiết Giáp đã được mấy ông BB đưa
vào trong Phú Bổn cận kề BB và Tư Lệnh LĐIIKB không có lấy một chiến xa
trong tay. Đến khi VC pháo kích Phú Bổn vào ban đêm, Tướng Tất lên máy
bay dzọt thì Đại Tá Nguyễn Văn Đồng Tư Lệnh LĐIIKB quyết định lấy lại
quyền chỉ huy thì đã quá trễ. Thiết Giáp phải được bố trí nơi trống trải
và được BB bảo vệ ban đêm. Nhưng lối điều động của BB đưa Thiết Giáp
vào trong Phú Bổn nên khi bị pháo kích thì Thiết Giáp không thể bung ra.
Khi Đại Tá Đồng điều động Thiết Giáp thoát ra thì dân chúng đã bu đầy
chung quanh nếu bung ra thì cán và giết dân nên Đại Tá Đồng đành thúc
thủ. Lữ Đoàn II KB tan hàng tại Phú Bổn vì sự bất tài của tướng chỉ huy
BB. Đại Tá Đồng đã bị bắt tại Cũng Sơn. Nếu như Đại Tá Đồng không ngần
ngại cán lên dân thì Lữ Đoàn II KB đã có thể thoát ra và tự tìm đường
thoát hiểm. Nhưng nhiệm vụ của QLVNCH là bảo vệ dân nên Ông đã trở thành
một tù binh trong uất nghẹn. Tướng Tất, Đại Tá Lý Tham mưu trưởng QĐ và
Tướng Phạm Văn Phú Tư lệnh QD phải chịu trách nhiệm làm tan nát Lữ Đoàn
II Kỵ Binh.
Như vậy chúng ta đã hiểu là Trung Tá Phát lữ đoàn trưởng LĐ3ND đã cắt
chi đoàn Thiết Giáp ra làm nhiều mảnh. Khi phòng thủ thì Thiết Giáp phải
đặt BB tiền đồn, gài mìn bẩy để tự bảo vệ cho nên đang đêm di chuyển là
chuyện không một KB nào muốn. Phải gở mìn bẩy thu hồi tiền đồn. Đêm tối
không thấy, dễ làm mồi cho súng chống tăng. Địch thấy ta mà ta không
thấy địch. Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm cho nên không ai muốn di chuyển vào
ban đêm. Nếu thật sự 4 M113 tự ý bỏ tuyến thì phải liên lạc ngay để biết
nguyên do. Đại Úy Tín khi thấy M113 bỏ vị trí phải báo cáo lên tiểu
đoàn ND. Tiểu Đoàn ND sẽ gọi cho Chi đoàn Thiết Giáp hỏi lý do. Hoặc
liên lạc với Lữ đoàn Nhảy Dù hỏi lý do tại sao rời vị trí . Sau khi hỏi
lý do nếu được lệnh rút thì thôi còn nếu chi đội M113 tự động rút thì
phải báo cho Chi đoàn trưởng để điều động Chi đội trở lại vị trí. Nếu
không chịu trở lại vị trí đã được chỉ định thì Chi đội trưởng sẽ ra tòa
án Quân Sự Mặt Trận. Thế thôi. Chuyện liên lạc trong các cánh quân chỉ
mất vài phút. Trên phương diện kỹ thuật tác chiến, Thiết Giáp dùng để
tấn công không phải để phòng thủ. Khi phòng thủ ban đêm Thiết Giáp cần
có Bộ Binh bảo vệ. Tùy theo tình hình chiến trường mà Thiết Giáp có thể
nằm tại chỗ hoặc lui về phía sau cho an toàn. Thí dụ trong tầm B41 (400
mét) mà bị bắn và không tấn công được thì Thiết Giáp bắt buộc phải lui
ra khỏi tầm bắn của B40, B41 mà không cần phải báo cáo hoặc chờ lệnh.
Nếu Đại Úy Tín đã bắn cháy 4 M113 mà không liên lạc tìm hiểu lý do thì
Đại Úy Tín đã ra tòa án Quân Sự Mặt Trận rồi. Chiến cụ quân trang quân
dụng nhất là những chiến xa, M113 là những chiến cụ rất đắt tiền. Trong
hoàn cảnh thiếu hụt quân số (1 chống 6) thì hành động bắn cháy 4 M113 là
một hành động ngu xuẩn không thể nào tha thứ được. Mỗi xa đội là 7
người. 4 xa đội là 28 người chưa kể các thương binh mà TG đang chở vì
chưa tải thương được. Người ra lệnh rút lui là Chi đội trưởng. Những KB
khác như tài xế , xạ thủ chỉ là người thi hành lệnh cho nên đó là cái
chết vô cùng oan ức. Đại Úy Võ Trung Tín trả lời sao trước nổi khổ mất
con mất chồng mất cha do sự ngu xuẩn của chính mình. Quý Ông Đại Úy Tín,
Trung Tá Bùi Quyền và Trung Tá Lê Văn Phát đã thoát khỏi ra tòa án Quân
Sự Mặt Trận vì có thể trận chiến đã tàn và Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù đã tan
hàng, nhưng Quý Ông mãi mãi đối diện với tòa án lương tâm vì đã ra tay
tàn sát đồng đội của mình vì niềm kiêu hãnh hư vô. Quý Ông đã bắn lén từ
phía sau và bất ngờ. Nếu đối mặt bao nhiêu chiến sĩ ND sẽ bị giết chết
bằng đạn chống biển người với 8000 mũi tên?
Đã là tuyến thép tại sao khi Thiếu Tá Võ Trọng Em tiểu đoàn phó TĐ 5ND
bỏ tuyến dẫn 200 quân Nhảy Dù băng rừng đào thoát. Đại Úy Tín trả lời
sao về kỹ luật thép của binh chủng Nhảy Dù? Điều oái oăm là sau đó một
thiết đoàn Thiết Giáp đã cứu những binh sĩ Nhảy Dù và mang họ về Dục Mỹ.
Đại Úy Võ Trung Tín trả lời ra sao trước tình huynh đệ chi binh và tấm
lòng hào hiệp của những Kỵ Binh đã cứu giúp những binh sĩ cùng màu cờ
sắc áo với Đại Úy Tín ?
Ngụy tôi không tham chiến trận đó nên không thể biết có chuyện bắn cháy
4 M113 hay không? Chỉ nêu ra cái bố láo, cái phi lý, cái ngu xuẩn của
tác giả nhằm đề cao chính mình và kỹ luật thép của binh chủng Nhảy Dù mà
tác giả phục vụ. QLVNCH khác với quân đội Bắc Việt xâm lược. Cấp chỉ
huy QLVNCH của chúng ta rất cẩn trọng khi điều quân lúc nào cũng quý
trọng tánh mạng của binh sĩ, không như quân đội Bắc Việt xâm lược lúc
nào cũng thí quân để đạt mục đích. Lấy cứu cánh biện minh cho hành động
thí quân. Cho nên câu chuyện bắn cháy 4 M113 không là biểu tượng của kỹ
luật thép mà chỉ thể hiện được sự ngu xuẩn của một cấp chỉ huy không
hiểu thấu đáo hợp đồng binh chủng và đặt niềm kiêu hãnh không đúng chỗ.
Đại Úy Nguyễn Xá là người đã chỉ huy 4 M113 mà Đại Úy Võ Trung Tín đã
bắn cháy đang có mặt tại Hoa Kỳ. Ước mong Đại Úy Nguyễn Xá lên tiếng để
làm sáng tỏ vấn đề.
Ngụy tôi hay lang thang trong net tìm đọc hầu hết những bài viết về
chiến sĩ QLVNCH, về những trận chiến kinh hồn mùa hè đỏ lửa 1972 đến
những trận chiến cuối cùng năm 1975. Từ chiến sử TQLC đến những trận
đánh của đoàn quân Mũ Đỏ Nhảy Dù. Từ trận chiến ngoại biên Lam Sơn 719
đến trận đánh Đồi Phượng Hoàng, căn cứ Ái Tử đến cuộc tiến chiếm Cổ
thành Quảnh Trị, hình ảnh của những Thiết Đoàn Kỵ Binh rất mờ nhạt kể cả
những trận đánh tăng T54 của CSBV. Qua những tài liệu bài viết những
chiến sĩ TQLC, Nhảy Dù đã hào hùng anh dũng diệt tăng địch bằng súng
M72. Trong khi đó Thiết Đoàn 20 CX trang bị chiến xa M48A3 tối tân khắc
tinh của T54 thì bố trí gần đó nằm chơi xơi nước. Vũ khí chống tăng của
BB chủ yếu là M72, ngon lành nữa là súng SKZ 75 ly, chưa bao giờ Ngụy
tui thấy BB sử dụng SKZ 90 ly hiện đại mà Ngụy tui đã có lần được thấy.
Ngầu hơn nữa là hỏa tiển TOW. Phần đồng sử dụng M72 nhẹ, mang theo được
nhiều nhưng tầm bắn giới hạn. Phải đợi cho tăng T54 tới gần mới khai
hỏa. Đó là điểm yếu. Vì khi tăng T54 tới gần thì nó đã tàn phá công sự
phòng thủ của ta và có thể dùng hỏa lực chống biển người bắn ồ ạt thì
chiến sĩ của ta không thể ngóc đầu để lấy đường nhắm. Và khi nó đã vào
tuyến phòng thủ thì coi như ta thua. Trong khi đó chiến xa M48A3 có thể
tiêu diệt T54 với tầm ngoài 2 km chính xác và hữu hiệu. Thế đó, cứ cho
binh sĩ diệt tăng bằng M72 và M48 CX cứ ngồi chơi xơi nước. Trong trận
chiến Long Khánh Thiết Đoàn 5 KB là nỗ lực chính để giữ Long Khánh thì
ít nghe nói đến. Người ta ca tụng SĐ18 BB anh dũng chặn bước tiến của
đoàn quân xâm lăng Bắc Việt Trong khi đó hầu như mọi người quên mất Lữ
Đoàn III KB và LLXKQĐIII đã chặn đứng Quân Đoàn 4 BV tại Dầu Giây và
chính đơn vị nầy đã cứu Trung Đoàn 52BB/SĐ18BB không bị địch quân tràn
ngập. Và đặc biệt là đã đánh tan một Tiểu Đoàn tăng T54 tại Long Thành.
Dứt đẹp SĐ 364 CSBV tại Biên Hòa giữ vững Biên Hòa trong đêm 29 tháng 4
năm 1975. Khi tất cả lực lượng QD III tan rã kể cả SĐ 18 BB thì
LLXKQĐIII vẫn còn đầy đủ đã được Tướng KB Trần Quang Khôi điều động về
bảo vệ Thủ Đô sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Không một ai hay biết. Đặc
biệt chỉ trong một ngày đánh tan Công Trường 5 CS, một chiến tích lừng
lẫy có một không hai trong quân sử VNCH giải tỏa căn cứ Đức Huệ trong
năm 1974. Sau khi mọi nỗ lực của Sư Đoàn 25BB đã thất bại trong việc
giải tỏa căn cứ Đức Huệ, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần Tư lệnh Quân Đoàn
III và Quân Khu III đã giao trọng trách cho Tướng Trần Quang Khôi và
LLXKQĐIII mà Lữ Đoàn 3 KB với Thiết Đoàn 15KB, TĐ 18 KB và TĐ 22 Chiến
Xa làm nồng cốt. Tất cả từ Tư lệnh Quân Đoàn III đến toàn bộ tham mưu
của QĐ III đã bó tay, thì một tay Tướng Khôi đã đi thị sát mặt trận và
chính tay Ông đã thực hiện kế hoạch hành quân và TT Thiệu đã rất thích
tính táo bạo và liều lỉnh trong kế hoạch của Ông. Tướng Khôi đã mang hết
LLXKQĐIII vượt biên giới Kampuchea và đánh từ phía sau Công Trường 5
CSBV. Chỉ trong một ngày CT 5 CSBV tan rã chạy tứ tán và thừa thắng xông
lên Tướng Khôi đã tung quân truy kích đến tận Mộc Hóa Kiến Phong. Cố
Vấn Trưởng TGB Đại Tá Raymond Batteall đã mô tả: Đó là chiến thắng oanh
liệt nhất trong chiến tranh VN. Và Ông đã viết hàng chữ “Kỵ Binh Việt
Nam Muôn Năm” trong mọi bài viết và thư từ. Cảm động nhất là lúc Tướng
Khôi và Tướng Thuần đón Tổng Thống Thiệu tại căn cứ Đức Huệ vài ngày
sau, một Chuẩn úy Biệt Động Quân đã tiến đến đưa tay chào kính với nước
mắt đã cám ơn Tướng Khôi cứu mạng. Nhưng Tướng Khôi, bằng một giọng nói
chân thành: “Chính Anh phải cám ơn các Em mới đúng. Sự chiến đấu vô cùng
dũng cảm của các Em là một tấm gương sáng chói là niềm hãnh diện chung
của Quân Lực chúng ta. Các Em mới thật sự là những anh hùng mà mọi người
VN yêu chuộng Tự Do phải mang ơn các Em”. Tình huynh đệ chi binh ấm áp
giữa một chuẩn úy và một chuẩn tướng. Hai cấp bậc cách nhau cả một quảng
đời binh nghiệp dài thăm thẳm. Tình cảm, tinh thần trách nhiệm, tình
yêu gắn bó giữa những người cùng chiến đấu chung một màu cờ không phân
biệt binh chủng đã làm sáng danh một Quân Lực VNCH đã vì dân chiến đấu
vì dân hy sinh. Có ai trong chúng ta đã chứng kiến một cuộc hành quân
cuối cùng. Vô cùng hùng tráng đẹp tuyệt vời của LLXKQĐIII của những
người con yêu của Tổ Quốc VNCH. Ba Chiến Đoàn 315 KB, 318 KB, 322 KB
cùng các binh chủng khác như Lữ Đoàn 2 ND, Lữ Đoàn 468 TQLC, Liên Đoàn
33 Biệt Động Quân, các đơn vị Pháo Binh Công Binh Truyền Tin QD III đã
hàng ngủ chỉnh tề bằng ba trục tiến quân về bảo vệ Thủ Đô yêu dấu. Đó là
đoàn quân cuối cùng của Quân Đoàn III còn nguyên vẹn vào ngày cuối cùng
của miền Nam thân yêu.
Cũng với LLXKQĐ III nầy trong cuộc hành quân Toàn Thắng 42 (1/71) tấn
công vào Kratié để tiêu diệt cục R Cộng Sản. Sau khi Trung Tướng Đỗ Cao
Trí đền nợ nước trong một tai nạn trực thăng, Trung Tướng Nguyễn văn
Minh lên thay thế đã không đi tiếp kế hoạch của Tướng Trí mà Ông muốn
rút quân về nước. Sau gần một tuần nằm án binh bất động, quân CS đã phục
hồi bèn bao vây chận bít đường về. Sau hai lần rút lui theo kế hoạch
của Tướng Minh bất thành và trước viễn ảnh đoàn quân bị tiêu diệt, Đại
Tá Khôi đã yêu cầu trao trọn binh quyền cho Ông để đem toàn bộ lực lượng
QĐ III về nước. Tướng Minh không còn chọn lựa nào khác, đành trao quyền
chỉ huy đoàn quân viễn chinh cho Đại Tá Khôi. Bằng tài thao lược lòng
can đảm và mưu trí, nhất là được sự tin tưởng của các cấp chỉ huy Bộ
Binh, Biệt Động Quân… Cả đoàn quân với ý chí sắt thép vói quyết tâm
không gì lay chuyển dưới tài chỉ huy của Đại Tá Khôi đã về nước an toàn
trong vinh quang. Trong cảnh dầu sôi lửa đỏ đó, Tướng Khôi không hề và
chưa hề bắn bỏ những chiến hữu của mình để phô diễn cái “kỷ luật thép”…
mà Đại Úy Võ Trung Tín hãnh diện khoe khoang. Lần nào cũng thế trước khi
xuất quân, Tướng Khôi bao giờ cũng khích lệ tinh thần binh sĩ, huấn
luyện cho binh sĩ làm quen với chiến trận và sau cùng là duyệt hàng quân
với một khí thế chiến thắng. Cho nên binh sĩ lúc nào cũng nhập trận với
một hào khí ngất trời.
Trong chiến trận Lam Sơn 719, tại căn cứ Bravo Chi Đoàn Chiến Xa 1/8 CX
đã cùng đơn vị Nhảy dù phối hợp hành quân. Và chính Chi Đoàn Chiến Xa
1/8 đã giữ an ninh cho đoàn quân Nhảy dù triệt thoái. Còn lại một mình
đơn thân độc mã giữa chiến trường tan hoang, mùi tử khí ngập trời. Một
mình một ngựa tại căn cứ Bravo đã vẫn bình chân như vại. Không hề run sợ
để phải bỏ chạy trong hoảng loạn. Thiếu Tá Chi Đoàn Trưởng Lê Quang
Vinh đã bình tĩnh điều động Chi đoàn rút lui trong trật tự về Lao Bảo.
Chi đoàn đã làm nên chiến tích phi thường tiêu diệt toàn bộ 3 tiểu đoàn
quân CS đang phục kích tại cầu sắt và tiếp tục bảo vệ Bộ Binh trên đường
rút quân về Khe Sanh. Và cũng chính Chi đoàn nầy đã làm nên chiến thắng
phi thường tại Kontum mùa hè đỏ lửa 1972, và đã tung hoành nhổ chốt
trên đỉnh núi Chu Pao. Khi đoàn quân mũ đỏ rút khỏi vị trí đóng quân đã
được chỉ định, Thiếu Tá Lê Quang Vinh đã không tặng cho Nhảy Dù một quả
đạn chống biển người mà còn án ngữ bảo vệ cho đoàn quân ND rút lui.
Trong chiến trận Lam sơn 719, Đại Tá Lê Quang Lưỡng tư lệnh Lữ Đoàn1
Nhảy Dù đã lên máy bay bỏ đoàn quân Nhảy Dù lại cho Đại Tá Kỵ Binh
Nguyễn Trọng Luật Tư lệnh Lữ Đoàn I KB mang dùm về nước. Và Trung Tá
Thạch Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 2 Nhảy Dù đã lên trực thăng dzọt về Khe Sanh,
bỏ binh sĩ lại cho Tiểu đoàn phó điều động rút lui tại Căn Cứ Hỏa Lực 30
(đọc Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30 của Đại Úy Pháo Binh Trương Duy Hy), Đại
Úy Võ Trung Tín ở đâu lúc đó không bắn cháy trực thăng để phô diễn kỷ
luật thép của đoàn quân mũ đỏ?
Binh chủng Thiết Giáp đã ghi nên những chiến công huy hoàng từ thời
Quân Đội Quốc Gia VN được thành lập. Đã tô thắm ngọn cờ Vàng thân yêu,
đã có mặt trên khắp 4 vùng chiến thuật, nơi đâu cũng có vết xích của
những Kỵ Binh lịch sự nhưng anh dũng hào hùng. Nhưng Ngụy tôi không hãnh
diện về điều này, bởi đó là trách nhiệm của tất cả quân nhân không phân
biệt binh chủng đã làm nên chiến sử oai hùng của QLVNCH. Điều mà Ngụy
tôi hãnh diện là tất cả các cấp chỉ huy từ Chi đội trưởng, Chi đoàn
trưởng, Thiết đoàn trưởng cho đến Tư lệnh Lữ đoàn Kỵ Binh đều còn tại
hàng chiến đấu cho đến giờ phút cuối cùng. Không một ai đào thoát trong
giờ tuyệt vọng đó. Anh em chúng tôi từ Tư lệnh Lữ đoàn đến người Chi đội
phó đã gặp nhau trong tù người năm ba năm cho đến 17 năm ròng rã. Chúng
tôi không có thói quen chạy làng bởi vì một trong 7 truyền thống của
người Kỵ Binh lịch sự là không lùi bước trước quân thù. Bây giờ chúng
tôi lại đoàn tụ tại hải ngoại, vẫn sinh hoạt đùm bọc và thương yêu nhau
như những ngày còn khói lửa chiến chinh. Cho nên nếu có kiếp sau, có
chiến trận sau, thì Ngụy tôi cũng xin được đội chiếc mũ đen kiêu hùng và
được cởi ngựa sắt dong ruỗi khắp bốn vùng chiến thuật.
Khi đọc bài viết của Đại Úy Nhảy Dù Võ Trung Tín viết về chuyện bắn
cháy 4 M113 vì tự ý rời bỏ vị trí phản ứng cấp thời của tôi là phẫn uất,
giận dữ; nhưng khi bình tâm thì sá gì những lời kiêu hãnh vu vơ đó, khi
mà nợ núi sông chưa trả hết, và nhiệm vụ Bảo Quốc An Dân vẫn chưa vẹn
tròn….
Bài viết quá hay và quá hợp lý.
ReplyDelete