Tác giả ghi lại những gì diễn ra trước mắt mình, ngay trước nhà mình,
ngay trong khu phố mình sống, những giờ phút cuối cùng của miền Nam. Ngày ấy, tác giả vừa tròn 15 tuổi.
Viết cho ngày 30 Tháng Tư năm ấy.
Viết cho những người lính cấp bậc nhỏ, nhưng hy sinh lớn.
Viết cho những người lính vô danh,
Vị quốc vong thân lúc thành mất nước tan.
Ai cũng sống cả một đời, nhưng chết chỉ một lần.
Các anh, những người lính nhỏ,
Các anh, những người lính vô danh, nhưng hy sinh vĩ đại!
Suốt 40 năm qua, tôi đã đọc, đã nghe và cũng đã xem nhiều về những hy
sinh của các tướng lãnh, sĩ quan cao cấp Việt Nam Cộng Hòa khi nước mất
nhà tan vào tay Cộng Sản trong ngày 30 Tháng Tư đau buồn của năm 1975.
Lúc ấy tôi được 15 tuổi, chưa trưởng thành, chưa đủ khôn và đủ hiểu biết
chuyện đời, nhất là chuyện thời cuộc. Ở tuổi này, tuy chưa đủ lớn, ký
ức mình cũng đủ “già dặn” để không quên điều xảy ra. Và trong ý nghĩ đó,
có một câu chuyện cho đến giây phút này vẫn còn in đậm trong ký ức của
tôi.
Mấy mươi năm qua, tôi cho đó là “chuyện nhỏ.” Sau này, tôi chợt nhận
thức, rằng chuyện nhỏ này lại có ý nghĩa vô cùng to lớn mà hôm nay tôi
muốn ghi lại và chia sẻ với những ai quý tự do, yêu độc lập và chuộng
hòa bình.
Lúc ấy là 09 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975!
————————————————�� �—————————–
Nhiều tiếng khóc sụt sùi vỡ ra bởi lời lẽ chân thành của bà già. Cảm
thấy quá đau lòng trước thảm cảnh thương tâm ấy, tôi thẫn thờ bước ra,
chợt trông thấy người lính trẻ còn đang đứng dựa cột nơi quán cơm
tháng của Dì Mười, khóc rấm rức như trẻ thơ. Ôi, còn đâu người chiến sĩ
anh dũng ngày nào! Ôi, còn đâu bộ đồ trận kiêu hùng một thuở! Ðôi vai
run run theo tiếng nấc của anh làm tôi bùi ngùi…
Thời khắc ấy cách đây đúng 40 năm, trong cảnh hỗn mang của ngày tàn cuộc
chiến, trong xóm tôi ở Ngã Năm Bình Hòa-Gia Ðịnh, bỗng xuất hiện bốn
năm người lính Nhảy Dù. Họ chạy lúp xúp men theo vách tường nhà Dì Sáu
của tôi rồi dừng lại trước nhà tôi. Tất cả đều còn rất trẻ và người
họ mang đầy súng ống đạn dược. Áo quần họ bám đầy bụi đỏ. Chỉ cần nhìn
thoáng qua, ai cũng biết những người lính này mấy ngày trước đây đã từng
xông pha trận mạc. Họ đứng trước khoảng đất trống, ngó dáo dác một đỗi,
thì người lính có mang một bông mai trên cổ áo nói, như ra lệnh:
- Anh em đào ở đây đi.
- Tuân lệnh thiếu úy!
Một người trong họ trả lời. Thế là các anh tháo gỡ trên vai xuống mấy
cái xẻng cá nhân. Với thao tác nhanh lẹ, phút chốc họ đã biến chúng
thành những cái cuốc và bắt đầu đào hố cá nhân.
Trong nhà, má tôi lo lắng ra mặt. Bà đang phân vân chẳng biết có nên di
tản không và nếu đi thì chưa biết phải đi đâu. Bất ngờ, bây giờ thấy
lính tráng chuẩn bị hầm hố chiến đấu trước cửa nhà, bà thêm hoảng sợ.
Tuổi thiếu niên đang lớn, hiếu kỳ, tôi tò mò bước ra sân, tiến gần đến
khoảng đất trống ngồi chồm hổm xem mấy người lính làm việc. Lâu lâu có
tiếng đại bác vọng về, tiếng súng bắn lẻ tẻ vang lên đây đó làm cho bầu
không khí chết chóc thêm ngột ngạt, hình ảnh chiến tranh thêm rõ nét.
Dân trong xóm tôi nhốn nháo chạy tới chạy lui, mặt mày ai nấy đều lấm la
lấm lét khi đi ngang qua nơi mấy người lính đang làm việc. Bộ mặt của
thành phố Sài Gòn lúc đó như người bệnh nặng sắp mất.
Ðộ chừng nửa tiếng sau, khi hố được đào khá sâu, một người lính đứng
lên, mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Anh đưa cánh tay lên cao, quẹt lấy mớ tóc
bê bết trên trán để lộ một cái sẹo thật to nơi đuôi mắt phải, đoạn nhìn
tôi:
- Em trai chạy vô nhà lấy cho anh xin miếng nước uống đi em.
Tôi đứng dậy co giò phóng vào nhà. Ít phút sau tôi mang ra cho các anh
một ca nước đá bự, một cái ly và một ít kẹo đậu phọng với bánh in mà má
tôi đưa thêm. Họ ăn, họ uống, họ nói cười vui vẻ, cơ hồ như không có
chuyện gì xảy ra. Chỉ có người thiếu úy là không ăn uống gì cả.
Người thiếu úy này cũng còn trẻ và đẹp trai như Tây lai nhưng dáng dấp
rất phong trần, uy dũng. Tôi đoán chừng tuổi đời anh chỉ khoảng 23, 24
gì thôi. Anh có vẻ như đang lo lắng trước tình hình chiến sự lan rộng
nên nét mặt luôn phủ một lớp sương mờ căng thẳng.
Nắng lên khá cao…
Bỗng một tiếng nổ lớn từ đâu dội lại rung chuyển cả mặt đất. Tôi hoảng
hốt. Mấy người lính ngưng đào, ngẩng đầu nhìn quanh. Viên thiếu úy ngó
về cuối xóm một thoáng rồi nói với đồng đội:
- Anh em cứ tiếp tục đi, để tôi xuống dưới này xem sao.
Người thiếu úy xốc khẩu M-16 đang mang trên vai lên cao và bỏ đi trong
tư thế sẵn sàng tác chiến. Bên trong, má tôi gọi tôi vào và không cho ra
khỏi nhà, vì sợ đạn lạc. Xế trưa, lúc ông Dương Văn Minh ra lệnh cho
binh sĩ buông vũ khí và đầu hàng vô điều kiện thì má tôi vội vã kêu tôi
cầm cái radio-casette hiệu Sanyo ra cho những người lính bên ngoài nghe.
Trong khi họ còn sững sờ thì viên thiếu úy từ dưới đang vội vã đi lên.
Một anh lính trẻ giơ chiếc radio về viên sĩ quan, hớt hải, nghẹn ngào.
Anh nói như sắp khóc:
- Thiếu úy, thiếu úy, ông Minh đầu hàng rồi. Mình thua rồi!
Viên sĩ quan khựng lại một lúc rồi chăm chú nhìn vào cái radio trong im
lặng não nề. Tiếng ông Minh kêu gọi đầu hàng cứ được lập đi lập lại hoài
khiến người sĩ quan trẻ nổi cáu:
- Ð.m. sao chưa đánh đấm gì đã lo đầu hàng?
Người thiếu úy giận dữ quát tháo, gương mặt đan xen nỗi đau và buồn. Sau một đỗi phân vân, cuối cùng thiếu úy hạ giọng:
- Thôi đi.
Thế là họ bỏ chiến hào đang đào dang dở và hấp tấp chạy trở ra đường.
Ðộ chừng một tiếng đồng hồ sau, người ta nghe nhiều tiếng súng AK-47 nổ
giòn giã rồi tiếng M-16 bắn liên thanh đáp trả. Lẫn lộn trong đó thỉnh
thoảng có cả tiếng súng M-79 đệm vào. Ðứng trong sân nhà nhìn ra, tôi
thấy có vài cột khói đen bốc lên cao.
Từ bên ngoài, vài người trong xóm tôi tất tả chạy về. Gặp má tôi đang đứng lấp ló nơi cửa, họ báo:
- Ðang đánh nhau ở ngoài Ngã Năm dữ lắm cô Ba.
Ngã Năm Bình Hòa là giao điểm của năm con đường từ năm hướng khác nhau.
Năm Mậu Thân 1968, nhiều trận đánh đã diễn ra ở đây khi Lực Lựợng Bảo Vệ
Biệt Khu Thủ Ðô của quân đội VNCH ngăn chặn các mũi tiến công của cộng
quân từ bên ngoài đổ về qua mấy cửa ngỏ như Gò Vấp, Cầu Bình Lợi, Lò Vôi
hay Ðồng Ông Cộ… nên nó trở thành một trọng điểm chiến lược vì là một
trong những lộ chính tiến vô thủ đô Saigon.
Chiều cùng ngày, khi lịch sử đã an bài, dân chúng bắt đầu túa ra đường
phố. Lớp thì đón quân “Giải Phóng,” lớp khác lại mừng đất nước “Ðộc
Lập,” trong khi tôi thì tò mò theo người cậu họ ra xem tình hình ngoài
ngõ. Nghe thiên hạ bàn tán xôn xao có lính chết ở chỗ Ngã Năm Bình Hòa,
cậu cháu tôi lần bước tới quan sát. Một đám đông đang vây quanh trước
Nhà Thuốc Tây Tiến Thành, là nhà thuốc của má thằng bạn tôi. Cố gắng
chui vào đám người hiếu kỳ ấy và luồn lách một tí, tôi tới được bên
trong. Giữa vòng người nọ là xác một người lính nhảy dù nằm chết cứng.
Ngực thủng một lỗ lớn, chiến bào loang đầy máu và đã chuyển sang nâu sậm
nhưng đôi mắt anh vẫn mở trừng trừng. Nhìn kỹ, tôi chợt giật mình:
người đó chính là viên thiếu úy ban sáng!
Ðang còn ngỡ ngàng, tôi bỗng thấy có một thanh niên vẹt đám đông bước
lại gần xác người thiếu úy. Anh mặc một chiếc quần tây đen ngắn củn và
áo thì rộng lùng thùng như đồ của ai cho chớ không phải của anh vậy.
Anh khom người xuống, giơ tay vuốt nhẹ nhàng lấy khuôn mặt lạnh vô hồn
kia. Ðôi mắt từ từ nhắm lại và nơi khóe miệng một dòng máu nhỏ rỉ ra bên
mép. ường như chàng thanh niên lâm râm khấn vái điều gì đó nho nhỏ,
đoạn anh đứng lên, bước ra với đôi mắt đẫm lệ. Tôi nhận ra ngay anh
chính là người lính xin nước tôi lúc sáng, nhờ vết sẹo to nơi đuôi mắt.
Thiên hạ bàn tán sôi nổi khi dòng máu tươi nơi khóe miệng của thi hài đã
lâu kia rỉ ra. Người miền Nam vốn duy tâm, thiên hạ tin rằng đấy là một
điều linh thiêng vì vị sĩ quan này có lẽ còn có chuyện chi oan ức. Ðột
nhiên, chị Bảy bán tạp hóa sau lưng tôi lên tiếng kể lể với những người
xung quanh:
- Ông thiếu úy này và mấy người lính của ông ta nấp ở vách tường bên kia
kìa. Ðứng trông cửa sổ nhà nhìn qua, tui thấy mấy ổng bắn xuống phía
mấy ông “Việt Cộng” ở dưới Ðồng Ông Cộ quá trời. Cuối cùng chắc thấy
không xong, ổng biểu mấy người lính của ổng chạy đi còn ổng thì vẫn ở
lại. Rồi hình như ổng bị thương sao đó nên bò sang nấp vô Cổng Ðình Thần
Bình Hòa này nè. Hai bên còn bắn nhau một lúc lâu nữa và khi không còn
nghe tiếng súng thì tui dòm ra thấy ổng lết tới đây rồi chết luôn.
- Hết chiến tranh rồi mà chết, tội nghiệp quá! Không biết có gia đình vợ con gì không? Thân nhân mà hay được chắc là buồn lắm.
Ông già bên cạnh chị Bảy nói theo làm mọi người mủi lòng trước sự hy
sinh oai hùng của viên thiếu úy. Chợt một bà cụ cầm tấm chăn, không biết
từ đâu, tách đám đông bước vô phủ trùm lên xác người thiếu úy và mếu
máo:
- Dù con không có họ hàng gì với bà nhưng bà thấy con chết thảm bà
thương quá. Tội nghiệp, con cái nhà ai vậy không biết nữa. Thôi con chết
rồi, con hãy thanh thản ra đi và nếu hồn con có thiêng thì phù hộ cho
bà con nơi đây được nhiều an lành nha con!
Nhiều tiếng khóc sụt sùi vỡ ra bởi lời lẽ chân thành của bà già. Cảm
thấy quá đau lòng trước thảm cảnh thương tâm ấy, tôi thẫn thờ bước ra,
chợt trông thấy người lính trẻ còn đang đứng dựa cột nơi quán cơm tháng
của Dì Mười khóc rấm rức như trẻ thơ. Ôi, còn đâu người chiến sĩ anh
dũng ngày nào! Ôi, còn đâu bộ đồ trận kiêu hùng một thuở! Ðôi vai run
run theo tiếng nấc của anh làm tôi bùi ngùi. Ngẩng mặt lên bắt gặp tôi
đang nhìn anh trân trối, anh vụt bỏ đi.
Ngó cho đến khi bóng dáng xiêu vẹo của anh khuất nơi cuối chợ, tôi thấy
lòng nao nao buồn. Cảm khái trước một nỗi niềm mất mát bao la của tình
đồng đội thiêng liêng cao quý lẫn tiếc nuối cuộc đời binh nghiệp nữa
đường gãy đổ, tâm hồn tôi tràn ngập cả một sự chua chát to lớn.
Nhưng tôi đâu biết rằng, đó chỉ là khởi điểm của một trang sử đau thương cho dân tộc, cho hàng vạn sinh linh sau này.
Charleston, South Carolina
Triều Phong
No comments:
Post a Comment