Trung Tá Trần Ngọc Huế Diển Hành tại D.C.
Anh hùng và bội phản
Trước
tháng 4 năm 1972, Trung Tá Trần Ngọc Huế và Trung Tá Phạm văn Ðính đều
là hai anh hùng của Quân Lực VNCH, cả hai đều đã từng chỉ huy đơn vị
tinh nhuệ của SÐ IBB là Ðại Ðội Hắc Báo. Năm 1971, Trung Tá Trần Ngọc
Huế là Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ 2/2 đánh vào Tchépone trong cuộc hành quân Lam
Sơn 719.
Vị
trí của ông đã bị cộng sản tràn ngập và ông bị bắt làm tù binh và bị
đưa ra Bắc và ở trong nhà tù 13 năm. Kẻ bội phản là cựu Trung Tá Phạm
Văn Ðính, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 56 (Sư Ðoàn 3BB) tại căn cứ Tân
Lâm (Carrol), cuối tháng 4, 1972 đã đầu hàng trước quân đội, không những
chỉ đầu hàng mà Trung Tá Ðính đã theo giặc, vì sau đó ông đã lên đài
phát thanh Hà Nội kêu gọi các chiến hữu ngày trước của ông buông súng
theo “cách mạng” và đeo “quân hàm” trung tá của “Quân Ðội Nhân Dân”.
Ông “được” cộng sản cho làm “quản giáo” tại một trại tù (học tập cải tạo) đang giam giữ những chiến hữu của ông ngày trước.
Sau
tháng 4, 1975, ông “Trung Tá” Phạm Văn Ðính vào miền Nam, nhưng sau đó
không nghe nói ông nắm đơn vị nào trong quân đội Bắc Việt. Tôi nghĩ dù
ngày nay miền Nam đã bị cộng sản thôn tính, dân chúng Huế-Thừa Thiên
cũng như người miền Nam đã nhìn ông với đôi mắt ghẻ lạnh, cho đến khi
ông qua đời, không biết ông có ngượng ngùng với cái cấp bậc trung tá ông
đeo trên cổ áo hay không.
Sau
năm 1975, tôi nghe những người cộng sản gọi những nhân vật trong hàng
ngũ “chiêu hồi” là những kẻ “đầu hàng phản bội”, không biết họ dùng danh
từ gì để gọi ông Trung Tá Phạm Văn Ðính.
Andrew
Wiest là một giáo sư sử học tại Ðại Học Southern Mississippi, tác giả
nhiều cuốn sách về chiến tranh, trong đó đã có hai cuốn viết về Việt Nam
như “The Vietnam War, 1956-1975” (2002), “Rolling Thunder in a Gentle
Land: The Vietnam War Revisited” (2006). Năm nay (2008), ông vừa xuất
bản một cuốn sách nhan đề “Vietnam's Forgotten Army- Heroism and
Betrayal in the ARVN” để nói đến hai nhân vật Trần Ngọc Huế và Phạm Văn
Ðính.
Thoạt
đầu người ta giới thiệu Trung Tá Phạm Văn Ðính với ông, cuộc đời của
một sĩ quan xuất sắc của VNCH trở thành một kẻ bỏ súng chạy theo địch
quân là một đề tài khá hấp dẫn để trở thành một cuốn sách hay về chiến
tranh Việt Nam. Giáo Sư Andrew Wiest đã mời ông Phạm Văn Ðính sang New
Orleans Hoa Kỳ và tổ chức các buổi nói chuyện tại các đại học Hoa Kỳ về
đề tài chiến tranh Việt Nam, tuy nhiên ông đã được sự góp ý của nhiều
giới chức Hoa Kỳ hủy bỏ dự định này. Các sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ hiện nay
đã từng là cố vấn trong các đơn vị mà ông Phạm Văn Ðính phục vụ trước
kia, đã giới thiệu đến tác giả Andrew Wiest, Trung Tá Trần Ngọc Huế, đã
xuất thân từ những đơn vị tương tự như ông Ðính, nhưng đã xứng đáng hơn
với danh vị anh hùng.
Cuốn
sách được hoàn tất với cuộc đời của hai Trung Tá Trần Ngọc Huế và Phạm
Văn Ðính với những chiến trận lớn tại Vùng I Chiến Thuật mà cả hai đều
đã đổ máu cho miền Nam nhưng về sau quyết định của hai người đã đưa họ
về những lối rẽ khác nhau.
Ở
trong trại tù tập trung của cộng sản dựng lên đầy dẫy ở hai miền Nam
Bắc sau tháng 4 năm 1975, các chiến hữu ngày trước của chúng ta cũng đã
có rất nhiều anh hùng nhưng không thiếu kẻ bội phản.
Những
anh hùng của chúng ta đã đứng thẳng trước kẻ thù, có người đã chấp nhận
gông cùm và đã có người hiên ngang trước cái chết. Trong khi đó có
những người gọi là bạn tù của chúng ta đã cam tâm chịu sự sai khiến của
bọn cai tù, nhận những chức vụ “tay sai” để hành hạ, đánh đập anh em
không thương tiếc, hoặc hèn hạ làm những tên chỉ điểm, mà chúng ta
thường gọi chúng là “ăng ten”. Ra hải ngoại, những người cựu tù nhân
chính trị cũng đã nhận định rõ, ai là anh hùng mà ai là những kẻ đầu
hàng phản bội trong các nhà tù cộng sản trước đây, chỉ tiếc là những
những người này cũng cùng đi một chuyến tàu với chúng ta đến đây, lẫn
lộn trong cộng đồng này.
Tuy
đã tha thứ nhưng thực là chúng ta không bao giờ quên những khuôn mặt
này, và hy vọng họ sẽ thức tỉnh và biết thế nào là và sự khinh rẻ của
đồng đội hay đồng bào dành cho những hành vị bội phản, nhất là trong bối
cảnh của cộng đồng tỵ nạn cộng sản hiện nay đang manh nha những thái độ
đầu hàng hay thỏa hiệp đáng khinh miệt.
Huy Phương
No comments:
Post a Comment