(tặng bạn tôi N.V.L)
Dừng xe trước quán cà phê nằm bên triền núi, tôi
kéo Lân vào ngồi bên chiếc bàn nhỏ, nằm riêng rẽ dưới bóng mấy cành thông. Ngày
thường, quán vắng khách. Đã hơn bốn giờ chiều mà mặt trời đang ở trên đỉnh đầu.
Mùa hè Bắc Âu ngày dài ra, có những ngày cuối tháng sáu, gần như không thấy
bóng đêm. Trời nắng, nhưng không nóng lắm. Thỉnh thoảng có vài cơn gió làm lung
lay những cành thông, như muốn khuấy động cái không gian tĩnh mịch và tạo thêm
chút mát mẻ, thư thái cho khách nhàn du.
Đến đây đã nhiều lần,
dần dà bọn tôi trở thành khách quen của ông chủ quán, người Na-Uy, vốn trước
kia ở cùng xóm với tôi, nên đã dành cho chúng tôi sự tiếp đãi đặc biệt, thoải
mái. Hơn nữa đã từng nghiên cứu về Đạo Phật, nên thấy Lân trong bộ áo thầy tu,
ông chủ cũng tỏ ra ít nhiều tôn kính, có khi trao đổi đôi điều về Phật và Thiền
học, mặc dù ông chưa hề biết quá khứ, nhất là cả một thời tuổi trẻ đầy sôi nổi,
hào hùng và biến động của Lân.
Gần mười
năm nay, sau khi về hưu, hằng năm, vào khoảng giữa tháng Mười, vợ chồng tôi
thường sang Cali ở sáu tháng để trốn mùa Đông Bắc Âu, mà với tuổi già càng lúc
cái lạnh như càng ngấm vào da thịt và cả trong lòng mình. Đến hè, mỗi lần
trở lại Na-Uy, tôi thường ghé lại thăm Lân. Từ lúc nhận ra tuổi già qua nhanh
quá, cái quỹ thời gian không còn nhiều, và một số bè bạn đã lần lượt ra đi,
chúng tôi dành nhiều thì giờ cho nhau hơn. Lân về hưu trước tôi một năm, và anh
đã chọn một hướng đi đặc biệt cho tuổi già: tu tại gia. Anh xuống tóc,
ăn chay trường và mỗi ngày sống với kinh kệ như một vị thầy tu, mặc dù không
đến chùa. Anh cho rằng cái khung cảnh và sinh hoạt ở một số chùa chiền bây giờ
không thích hợp với anh. Hầu hết bạn bè và những người quen biết đều tôn trọng
cái quyết định đó, cũng như rất mến mộ phong cách, đạo đức của anh. Thực ra,
trước khi chọn con đường tu hành, anh cũng đã có đầy đủ tố chất của một vị chân
tu rồi. Hiền lành, đạo hạnh, luôn chia sẻ tấm lòng với tha nhân, nhất là những
người không may, gặp điều khốn khó, và với ai anh cũng luôn nở một nụ cười hiền
hòa nhân ái. Lân dùng nguyên ngôi nhà ở sửa sang lại làm tịnh thất, nằm trong
khu ngoại ô, bên bìa rừng yên tĩnh. Anh sống ẩn dật, chỉ tiếp vài ba người bạn
chí thân.Tôi thường đến đây với Lân, có khi ở lại cả tuần, theo anh ngồi tĩnh
tâm hay tập thiền, nhưng thỉnh thoảng Lân cũng chìu tôi, theo tôi ra ngồi ở cái
quán cà phê bên vách núi yên tĩnh này. Tôi nghĩ đây là nơi lý tưởng để
Lân còn nhìn thấy một chút "thế gian" và chúng tôi có thể ngồi hằng
giờ tâm sự chuyện đời xưa, nhắc nhớ khoảng thời gian khá dài mà chúng tôi
có cùng chung quá khứ.
***
Tháng sáu
năm 1976, sau khi bị chuyển tù ra Bắc, đến Trại Hang Dơi thuộc tỉnh Hoàng Liên
Sơn, tôi gặp lại người bạn cũ, có thời ở cùng đơn vị. Anh ở khác lán với tôi,
nhưng cùng tổ và nằm bên cạnh Lân. Qua anh bạn này, tôi quen biết Lân từ đó, để
rồi sau này trở thành thân thiết. Điều đặc biệt là dù qua bao lần "biên
chế", bị chuyển đi nhiều trại, Lân và tôi đều được may mắn, đi chung với
nhau cho đến ngày Lân ra tù, tháng 9 năm 1981.
Trước ngày
miền Nam thất thủ, Lân là thiếu tá, làm việc ở Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân
(thuộc Bộ Tư lệnh Không Quân). Một công việc bất đắc dĩ, ngoài sở thích của
Lân. Anh vốn là phi công trực thăng được chuyển về đây sau khi ra khỏi Tổng Y
Viện Cộng Hòa và được Hội Đồng Giám Định Y Khoa xếp vào loại 2, không thể phi
hành hay chiến đấu được. Anh bị trọng thương trong một chuyến bay cấp cứu
(rescue) một phi hành đoàn bạn bị bắn rơi trong trận chiến An Lộc.
Lớn
hơn tôi một tuổi. Lân tình nguyện vào Không Quân và được sang Mỹ học
ngành hoa tiêu trực thăng. Về nước được bổ sung cho Phi Đoàn Long Mã 219 ở Đà
Nẵng, từ thời còn xử dụng trực thăng loại H-34, về sau này được thay thế bằng
UH-1. Đây là một phi đoàn đặc biệt. Trên các máy bay sơn toàn màu đen, không vẽ
quốc kỳ và bất cứ danh hiệu hay mã số nào, ngoài hình những lá bài
"ách xì" cơ, rô, chuồn, bích. Phi Đoàn có nhiệm vụ thả và bốc các
toán lôi hổ, biệt kích, hoạt động trong vùng đất địch. Lân nổi tiếng là một phi
công tài giỏi, thông minh và can đảm.
Sau
đó, được thuyên chuyển về một phi đoàn thuộc Vùng 3. Năm 1970, Lân cùng phi
đoàn đã đóng góp nhiều chiến công trong các cuộc hành quân sang lãnh thổ Cam-
Bốt. Năm 1972, tham dự trận chiến An Lộc, đổ quân, tản thương cho Liên Đoàn 81
BCND và một số đơn vị thiện chiến1944 khác, Lân mấy lần bị thương nhẹ, được đặc
cách thăng cấp thiếu tá. Khi đã có lệnh và đang chờ thuyên chuyển đến một phi
đoàn khác để giữ chức vụ Phi Đoàn Phó, thì anh tình nguyện tham gia phi vụ cấp
cứu (rescue) một phi hành đoàn bạn bị bắn rơi. Nhờ tài năng, lòng dũng cảm và
nhất là tình đồng đội "không bỏ anh em không bỏ bạn bè", anh
đã bất chấp mọi hiểm nguy, cứu được 3 trong 4 người của một phi hành đoàn, khi
phi cơ phải đáp khẩn cấp vì bị trúng đạn phát hỏa, người xạ thủ đã bị tử
thương. Được bốn gunships yểm trợ, Lân đã lừa địch và bất ngờ đáp xuống trong
màn lưới đạn, bốc ba người bạn đang bị Cộng quân truy bắt. Nhưng khi vừa bốc
phi cơ lên, Lân bị trúng hai viên đạn, làm gãy xương cánh tay và ống chân trái.
Sau này, trong một dịp tình cờ, tôi gặp anh co-pilot trong phi vụ này, kể lại
chuyến bay rescue vô cùng hiểm nguy với tất cả lòng thán phục Lân. Anh
bảo, nếu không có Lân hôm ấy, chắc chắn việc cấp cứu đã không thành và ba người
bạn cùng phi đoàn đã bị địch quân giết hay bắt sống.
Khi
ở trại Nghĩa Lộ, tôi được sắp xếp cùng tổ với Lân. Chúng tôi thuộc đội phát
rừng (vào mùa Đông) và tăng gia (vào mùa Hè, vì mùa Đông, ở vùng này rất lạnh,
không trồng rau được). Tù ăn uống thiếu thốn và lao động cực khổ, nhưng Lân rất
khỏe mạnh. Có lẽ nhờ vào khả năng mưu sinh. Phải nói đây là một sở trường đặc
biệt của Lân mà bạn tù ai cũng nể phục. Anh có thể bắt tôm, cá bằng tay
không, khi đứng giữa một dòng suối hay con sông. Nhìn dấu chân các loài
vật anh biết ngay đó là con vật gì. Chỉ cần một nhánh cây anh có thể "sáng
chế" thành một cái bẫy để bắt các loại chim, chồn, và cả thỏ rừng. Nhờ vậy
mà anh nuôi sống cả một tổ tù, đặc biệt cứu vài người bị đau bệnh, kiệt sức.
Anh còn biết cả thuốc Nam, các loại lá, vỏ cây trị bệnh. Một lần đi rừng chặt
nứa, tôi bị một con ong đất chích vào tay, sưng vù lên và tím cả một vùng da.
Lân cho biết nọc loài ong này rất độc, có thể làm chết người. Anh dùng dây rừng
cột chặt cánh tay tôi lại, đi tìm một loại lá và vỏ cây gì đó đắp lên. Chỉ sau
một giờ đồng hồ vết sưng biến mất. Một buổi trưa nhân ngày lễ, được nghỉ lao
động, anh đã câu được gần ba mươi con ếch ngay trong trại, dưới các rãnh mương
thoát nước. Chính tay trưởng trại đã đi theo xem và phục tài của Lân. Tất cả
ếch câu được đều giao cho nhà bếp "hậu cần" để có thêm chất thịt cho
anh em. Lân cho biết là chỉ cần nghe tiếng ếch kêu đêm hôm trước là anh
biết có khoảng bao nhiêu con và đang trốn ở đâu. Cần câu chỉ là một thanh tre
và một sợi chỉ từ cái bao cát được Lân xe lại, và mồi câu chỉ bằng một miếng
bông gòn nhỏ. Tối hôm ấy, tôi khuyên Lân nên chấm dứt chuyện câu ếch và cần
phải giấu kín cái tài mưu sinh, vì có thể bị bọn cai tù nghi ngờ, "ra
tay" trước đề phòng khả năng anh trốn trại. Tôi cũng ngạc nhiên, khi Lân
là một phi công "hào hoa", nhưng khả năng mưu sinh thoát hiểm rất
tuyệt vời. Lân cho biết, khi còn nhỏ, nhờ cả thời tuổi thơ sống bên quê ngoại,
một vùng quê ở Tây Ninh, anh đã theo đám bạn bè và cả những người nông dân lớn
tuổi, học được rất nhiều điều như thế.
Điều làm tôi nể phục hơn, ngoài mưu trí, lanh lẹ, Lân còn là một con người gan
dạ, liều lĩnh và chí tình với bạn bè. Một lần trải qua một trận kiết lỵ kéo
dài, thuốc men không có, tôi chỉ còn khoảng ba mươi ký, kiệt sức đứng không
vững. Lơi dụng lúc đi lấy "phân xanh" ( loại lá cây để ủ thành phân
bón), không có vệ binh canh giữ, Lân đã lén vào trại heo của Hợp Tác Xã (cách
trại khoảng vài trăm mét, mà trước đó đám tù bọn tôi có đến vài lần làm chuồng
cho họ) bắt một chú heo con (heo sữa) mang về giấu ngoài khu vực tăng gia (nằm
sát bên hông trại), để hôm sau vùi vào hầm lửa ( do tù đào và dùng các gốc cây
đốt lửa sưởi ấm) cho tôi ăn dần. Nhờ đó mà tôi sớm lấy lại được sức. Một lần
khác, khi được giao cho công việc lên phơi lúa trên sân trại, nằm ngay trước
ban chỉ huy trại, Lân thấy có một buồng chuối thật dài sắp chín được đám bộ đội
chăm sóc cẩn thận, bao lại bằng mấy tấm bao cát và chống lên bằng hai thanh gỗ.
Vài hôm sau, trong một buổi sáng sớm mùa Đông, khi sương mù còn dày đặc (đứng
cách vài thước không nhìn thấy nhau), Lân đã lẻn lên sân trại cắt trộm cả buồng
chuối mang ra chôn giấu ngoài khu lao động. Hai hôm sau chuối chín, chờ lúc
không có mặt tay quản giáo, Lân đào buồng chuối lên để cả tổ cùng ăn. Vì sợ mùi
chuối chín dễ bị phát hiện, nên Lân đề nghị phải ăn cho hết. Một thời gian quá
lâu thiếu chất đường, nên cả tổ tám người thanh toán buồng chuối khoảng một
trăm quả trong vòng 20 phút đồng hồ mà vẫn chưa thấy ngọt. Nhưng vì ăn nhiều
quá, nên khi vừa đứng dậy, cả bọn bị ói thốc tháo ra toàn là chuối.
Biết tài bắt cá của anh, nên mỗi lần trại tù hay hợp tác xã bên cạnh tổ chức
"tảo" các hồ cá để thả cá con, Lân đều được chọn đi bắt cá. Hầu hết
các hồ chỉ nuôi loại cá trắm cỏ, nhưng có nhiều loại cá khác, như cá lóc, cá
trê sống trong đó, sẽ ăn hết đám cá trắm cỏ con. Nên trước khi thả cá, phải
"tảo"hồ, băng cách bơm cạn và bắt tất cả các loại cá khác nằm dưới
bùn. Lân sở trường về việc này. Nhưng thay vì phải giao tất cả cả bắt
được cho trại, anh tìm vài cái hang dưới bờ hồ, tạo thành những cái hộc để nhốt
một số cá lóc vào đó. Những cái hồ cá này, cũng là nơi cho tù rửa ráy hay tắm
sau giờ lao động. Và cứ mỗi lần tắm, Lân lại bắt một con cá nhốt sẵn trong hộc,
mang về cho cả tổ cùng ăn. Vì là đội tăng gia, được giữ mấy cái bình tưới bằng
nhôm, nên dễ dàng giấu cá trong đó mà không bị "phát hiện".
Có
một kỷ niệm tôi không thể nào quên. Một khoảng thời gian ở Trại Hang Dơi, bọn
CS luôn tìm mọi cách vắt kiệt sức của chúng tôi. Tất cả tù đều phải lên rừng
chặt nứa (loại tre nhỏ) mang về bán cho nhà máy giấy Việt Trì, theo hợp đồng
của trại. Chỉ tiêu mỗi ngày là ba mươi cây. Nếu không đủ, sẽ không được nhận
khẩu phần ăn. Chỉ sau một tháng là nứa ở các vùng núi chung quanh trại tù hết
sạch. Chúng tôi phải chia nhau một toán ba người đi rất xa lên các dãy núi cao
tìm nứa. Lân và tôi luôn đi chung một toán. Trời mùa Đông, lạnh buốt
xương, và suốt cả ngày mưa phùn rả rích. Các lối mòn, ngõ ngách lên núi biến
thành bùn nhão, trơn như mỡ. Bọn tôi phải đóng những cái cọc ngắn dọc trên các
con đường, mỗi lần vác nứa xuống, dùng đầu ngón chân tì vào các cọc để không bị
trượt ngã xuống vực. Nguy hiểm hơn là khi bị té ngã, bó nứa chùi xuống đâm vào
người đi trước, có thể mất mạng. Một buổi trưa, len lỏi trong rừng già, rất khó
khăn để chui qua những cây mây già, nằm chằng chịt như những con trăn dài chặn
các lối đi, những cây cổ thụ cao to che hết ánh sáng mặt trời. Khi bọn tôi đang
lo âu có thể bị lạc đường, chia nhau đi chặt vào các thân cây làm dấu, thì bất
ngờ một một cây cổ thụ bỗng rung rinh, lá cây xào xạc, bóng một con vật
to lớn nhảy xuống. Cả ba thằng khựng lại, rồi như theo bản năng, nhanh chóng
tìm lại ngồi sát vào nhau, mặt thằng nào cũng tái xanh. Bỗng Lân quát lớn:
"Đừng sợ, đứng dậy, đưa dao lên!" Tôi làm theo Lân như cái máy. Khi
hoàn hồn, nhận ra ngay trước mặt mình không xa, một con dã nhân (vượn người?),
cao to bằng ba con người, lông lá đầy mình, mặt mày dữ tợn, đang rú gào đe dọa
chúng tôi. Lân rất bình tĩnh, bảo bọn tôi cùng hét thật lớn và bước tới với con
dao đưa lên chém vào không khí. Không ngờ con dã nhân lùi lại, rú thêm mấy
tiếng rồi nhảy phóc lên cây, phóng đi nơi khác. Hôm ấy bọn tôi về tay không và
biết là sẽ bị phạt mất phần ăn, nên Lân đã đi tìm mấy mụt măng rừng và luộc lên
cho bọn tôi ăn đỡ đói. Tôi và anh bạn tù kia phục Lân vô cùng. Nếu hôm ấy mà
không có Lân, chẳng hiểu bọn tôi sẽ phản ứng ra sao. Cũng đã từng bao lần vào
sinh ra tử, nhưng đứng trước một tình huống quá bất ngờ này, thực tình chúng tôi
mất hết bình tĩnh, chẳng biết cách nào đối phó. Đây cũng là lần đầu tiên tôi
nhìn thấy một con vật lạ lùng, ghê sợ, mà trước đây chỉ biết mơ hồ qua sách vở
và lời kể của ông bà.
Năm
1979, trước khi chuyển trại để rời khỏi Hoàng Liên Sơn, vì Trung Cộng đang tấn
công vào các tỉnh biên giới phía Bắc, đội tù chúng tôi được chọn ra hai tổ đi
lao động "thông tầm", gặt lúa cho một HTX nông nghiệp, ở cách xa trại
khoảng mười cây số. Lân được chọn làm toán trưởng. Chúng tôi khoảng 20 người,
đi bộ, có hai tên vệ binh đi theo. Đến nơi vào buổi chiều, trời sắp tối, bọn
tôi được trú ngụ trong một cái đình làng bỏ hoang, một phần mái và một bức
tường đã rệu rã. HTX dùng cái sân đình để chứa và phơi lúa. Không biết có phải
để "khuyến khích tinh thần" hay tạo thêm sức, HTX "bồi
dưỡng" cho bọn tôi một bữa xôi nếp với thịt trâu khá no nê. Có cả một xị
rượu mía. Đây có lẽ là bữa ăn thịnh soạn nhất trong đời tù bọn tôi.
Sáng hôm sau, tay Chủ nhiệm HTX hướng dẫn chúng tôi ra khu ruộng, nằm cách ngôi
đình làng khoảng 100 mét. Khi đến nơi bọn tôi mới ngỡ ngàng. Đây là những đám
ruộng sình, lúa rất tốt, nhánh nào cũng trĩu đầy hạt, nhưng nếu bước chân xuống
ruộng, người ta sẽ bị lún sâu xuống ngay, khó mà ngoi lên được, vì càng cử
động, tìm cách thoát lên, lại càng bị lún xuống thêm, có thể ngập đầu. Bọn tôi
lắc đầu ngán ngẩm, khi vừa hiểu ra cái giá của bữa cơm nếp có thịt trâu, rượu
mía tối hôm qua. Trong khi cả bọn nhìn nhau bất lực, Lân đưa ra sáng kiến. Dùng
các tấm cửa cũ của ngôi đình bỏ hoang, cột dây kéo hai đầu, chỉ cần một người
(chọn những người nhẹ ký nhất) ngồi trên tấm cửa, gặt lúa, những người còn lại,
đứng trên bờ hai đầu, thay phiên kéo và giữ thăng bằng tấm cửa và an toàn cho
người gặt lúa. Một tấm cửa khác kéo theo bên cạnh, để chứa những bó lúa gặt được.
Khi nào đầy lúa, người gặt ra dấu, để được kéo vào bờ. Sáng kiến của Lân được
mọi người hoan nghênh, kể cả tay Chủ nhiệm. Khoảng mười tấm cửa cũ đủ loại lớn
nhỏ được mang ra sử dụng, một số cuộn dây được cung cấp, kể cả một số tre được
mang tới để vài anh chẻ ra đan thành những cuộn dây dài. Không ngờ sáng
kiến của Lân lại tuyệt vời. Chỉ hai hôm, tất cả lúa trên hơn mười thửa ruộng
sình được gặt xong. HTX "thu hoạch" được số lượng lúa khá lớn. Tay
Chủ nhiệm xin cho bọn tôi được ở lại thêm một ngày để nghỉ ngơi và "liên
hoan". Ăn cơm trắng với cá "trám cỏ". Thấy có một cái
trống rách, bỏ nằm lăn lóc trong góc đình, Lân bèn nghĩ ra một điều "kỳ
lạ" khác. Anh tháo da từ cái trống ra, mượn một cái chảo đun sôi gần
cả một đêm, sáng hôm sau, các miếng da nở ra, mềm, dẻo và trắng mướt. Lân thái
nhỏ ra, xin thêm đậu phụng (lạc), giã nát cùng với ít rau, rắc lên. Miếng da
rách trong chiếc trống lăn lóc ngày hôm qua, bây giờ đã trở thành một món ăn
khoái khẩu. Những bạn tù hôm ấy chắc chắn không ai có thể quên Lân và những
ngày tù thật đặc biệt này.
Sau khi được chuyển về Trại Nghệ Tĩnh, Lân rủ tôi và một người bạn thân
nữa tổ chức một cuộc trốn trại. Tôi rất tin tưởng vào khả năng vượt thoát của
Lân. Thời gian này bắt đầu được thăm nuôi, Lân đã nhờ người nhà mang theo nhiều
thức ăn khô, một số tiền mặt và một cái địa bàn nhỏ dấu kín trong hũ mắm ruốc.
Nhờ hối lộ hậu hỉ cho tên công an phụ trách, nên mọi thứ đều trót lọt. Nhưng
chưa tới ngày thực hiện thì bất ngờ Lân có lệnh thả. Anh rất ngạc nhiên về việc
này. Kế hoạch trốn trại phải hủy bỏ, vì tôi và người bạn còn lại không tin vào
khả năng của mình, nếu không có Lân.
Năm 1983, sau gần một năm được chuyển về Trại Z-30 C Hàm Tân, tôi
được thả. Ra trại, thay vì về quê ngoài Nha Trang, tôi vào Sài gòn tìm Lân. Vì
trước lúc chia tay, Lân cho biết là sau khi về nhà, anh sẽ mua ghe tổ chức vượt
biên. Anh còn dặn dò, bất cứ lúc nào ra khỏi tù, tôi nhớ tìm gặp anh ngay. Tôi
luôn tin tưởng vào khả năng, đạo đức và chân tình của Lân.
Thời gian trong tù, qua tâm sự của Lân, tôi biết rất rõ về nhà cửa, địa chỉ và
tất cả những người trong gia đình anh. Ông cụ đã mất trước 75, Lân chỉ còn bà
cụ đang sống với hai cô em gái trong ngôi nhà khá lớn ở bên Quốc lộ, gần Ngã Tư
Hàng Xanh. Ông anh duy nhất là một Biên Tập Viên Cảnh Sát, làm việc tại Sài
gòn, đã kịp rời khỏi Nhà Bè vào sáng sớm ngày 30.4.75.
Lân
được cả nhà, đặc biệt là bà mẹ hết lòng yêu thương. Chính vì điều này mà Lân đã
không đành bỏ mẹ để ra đi khi CS chiếm Sài gòn, mặc dù khi ấy Lân có nhiều
phương tiện trong tay, đã giúp khá nhiều bạn bè ra khỏi nước. Sau này Lân còn
cho tôi biết, chính mẹ và các em gái của Lân đã bán nhiều tài sản và dùng vàng
bạc giấu được sau các đợt "đánh tư sản", tìm đường dây đến một
tay thứ trưởng Bộ Nội Vụ CS mua cho Lân cái giấy ra trại, để vượt biên
sớm. Lân là một trong số rất ít tù được thả sớm từ miền Bắc trong thời
gian ấy.
Khi tìm đến nhà, tôi gặp mẹ và cô em lớn của Lân. Bà mẹ cũng là một
người tu hành. Bên kia phòng khách, tôi nhìn thấy một tượng Phật Quan Âm
lớn hơn một người thật, cao gần đến trần nhà. Tôi bảo tôi là bạn tù rất thân
của Lân vừa mới được thả ra, tìm đến thăm Lân, nhưng cả mẹ con đều bảo Lân đang
sống ở vùng kinh tế mới dưới Phước Tuy. Nhìn vẻ mặt của hai người tôi biết là
họ đang nghi ngờ tôi, có thể là một gã công an nào đó muốn thăm dò tin tức Lân.
Khi tôi hỏi xin địa chỉ nơi ở của Lân trong vùng kinh tế mới để đi thăm, viện
cớ là tôi ở ngoài Trung, sau này khó có thể gặp Lân, hai người bảo là không
biết, hơn nữa người lạ cũng không được phép đến đó. Đoán là có điều gì xảy ra
cho Lân, nên cả mẹ và em Lân cố tình giấu giếm, tôi lấy tờ Giấy Ra Trại
đưa cho cô em xem và kể thêm một số chi tiết về Lân cũng như những người trong
gia đình. Khi ấy hai người mới tin và cho tôi biết là Lân tổ chức vượt biên,
kéo theo một số bạn bè, nhưng chẳng may ghe bị mắc cạn ở cửa sông Mỹ Tho, Lân
bị bắt và đang bị nhốt trong một trại tù rất khắc nghiệt. Tôi cám ơn và xin tạm
biệt, nhờ chuyển lời thăm Lân khi có thăm nuôi. Tôi cũng để lại địa chỉ và nhờ
nói lại với Lân, khi ra tù nhớ liên lạc với tôi. Mẹ của Lân bảo cô em vào lấy
một số tiền biếu tôi. Tôi từ chối nhưng hai mẹ con nhất mực bắt tôi phải nhận.
Cô em đã nhét tiền vào túi áo của tôi.
Sau hơn tám năm, trở về nhà, chưa kịp làm quen với mấy đứa con, nhất là
con gái út còn nằm trong bụng mẹ ngày tôi vào tù, và cũng chưa kịp hỏi được tin
tức về nơi chôn cất cha tôi, ông đã chết trong môt trại tù khác trong Nam từ
tháng 6/1976, thì bốn hôm sau, tôi được "mời" ra công an thị trấn,
nhận cái giấy trả lại trại tù, với lý do "nhân dân địa phương
không chấp nhận cho tôi được tạm trú". Khăn gói vào lại trại tù
Z-30C, được cho ở tạm nhà thăm nuôi ba hôm, sau đó nhận một tấm Giấy Ra Trại
khác, với nơi chỉ định tạm trú mới là sinh quán của tôi. Ở đó tôi chẳng còn ai,
ngoài bà cô già, góa bụa sống trong ngôi nhà từ đường của ông bà nội tôi để
lại. Tôi lại bị chính quyền CS ở đây hành hạ, làm nhục đủ điều. Không còn con
đường nào khác, ngoài vượt biên. Nhờ một ông anh con ông cậu ruột, nguyên là
một HSQ Hải quân, đang có sẵn ghe đánh cá, tôi liều lĩnh âm thầm khuyến khích
và tổ chức vượt biên, chỉ dành cho gia đình và những người thân thiết nhất. Tôi
nhờ đứa cháu vào nhà Lân. Rất may là Lân vừa mới ra khỏi tù hơn một tuần lễ,
cũng nhờ bà mẹ lo lót. Lân mua giấy tờ giả, đóng vai một "cán bộ
thương nghiệp" ra Nha Trang công tác. Tôi gởi Lân ở chung nhà với một
người bạn thân khác của tôi, là căn phòng nhỏ ngay phía sau một trường tiểu học
mà anh là hiệu trưởng, không ai để ý. Đúng giờ hẹn, tôi cho người đón Lân bằng
xe Honda và đưa Lân trốn trong một ghềnh đá sát bên bờ biển ở một nơi an toàn.
Tôi hẹn cho ghe ghé đến, đậu xa bờ khoảng 200 mét, báo mật hiệu bằng đèn và cho
thằng cháu chèo thúng chai vào đón. Nhưng Lân bảo không cần, vì thúng chai chèo
chậm lắm, anh sẽ bơi ra tàu cho nhanh. Khi kéo Lân lên tàu, hai đứa ôm chầm lấy
nhau, như thầm hứa hẹn một "trang sử" mới.
Mặc dù có người anh định cư ở Mỹ từ 1975, nhưng Lân quyết định cùng đi
Na-Uy với chúng tôi. Mấy lần tôi hỏi, có phải trong lòng Lân còn
"hận" Mỹ, đã phản bội, bỏ rơi người bạn đồng minh, để đất nước và cả
dân tộc mình điêu đứng lầm than? Lân cười, bảo chỉ muốn sống gần tôi,
người bạn đã cùng sống chết với anh trong suốt đoạn đời tù đày khốn khổ.
Lân cùng học rồi cùng vào làm một sở với tôi cho đến ngày về hưu. Chúng
tôi cùng hăng say hoạt động trong một tổ chức kháng chiến ngay từ ngày đến Trại
Tị Nạn Bataan, Phi Luật Tân. Vào thời điểm ấy, tổ chức này rất nổi tiếng và
được nhiều người khắp nơi tham gia, ủng hộ. Khi một cán bộ cao cấp của tổ chức
từ Hoa Kỳ đến Na-Uy sinh hoạt, cả Lân và tôi xin tình nguyện được về
"chiến khu quốc nội"(?), nhưng ông ta bảo không còn cần thiết nữa.
Chỉ một tháng sau đó, tổ chức này rạn nứt, tan vỡ, phơi bày bao điều không
thật, đau lòng. Chúng tôi thất vọng và phẫn nộ khi có cảm giác mình bị lừa dối.
Những năm sau, Lân sang Mỹ nhiều lần, thăm ông anh, họp bạn bè và tìm hiểu các
tổ chức, hội đoàn hoạt động ở đây. Anh háo hức, thiết tha mong được đóng góp
phần mình. Lân thường bảo, cuộc sống lưu vong này sẽ trở nên vô nghĩa, nếu
chúng ta không làm được điều gì. Chẳng lẽ rồi bọn mình cũng chỉ là những "con
chim ẩn mình chờ chết!"hay sao?
Cuối cùng, dường như Lân đã không tìm được một "ánh sáng nào ở cuối đường
hầm". Anh bảo những hình thức, phô trương, những bộ quân phục và lon lá bị
lạm dụng, những ông bà háo danh, tranh giành cộng đồng này, hội đoàn nọ, tệ
nhất là mấy cái chính phủ với đám tướng tá tự phong, tự diễn, lố bịch như đám
phường tuồng, làm anh muốn buồn nôn.
Có
những ông chưa có một ngày trong lính, nhưng lúc nào cũng tỏ ra là một nhà quân
sự tài ba, huênh hoang chê bai ông tướng này ông tá khác, phê phán đủ các trận
chiến ngày xưa. Cũng có những ông gốc lính, chẳng biết ngày xưa khí phách, tài
năng đến đâu, giờ nằm nhà chửi bới, chụp mũ không sót một người nào.
Bạn
bè thì một số thoải mái với cuộc sống mới và đã biến thành những con người mới,
quên mình đã từng là lính và bị tù đày. Một số thì tìm đến với nhau trong những
hội hè, mong có nhiều cuộc họp mặt tiệc tùng, để có dịp mặc bộ quân phục, tìm
lại chút "dư âm ngày cũ". Chưa kể một số đua nhau về Việt nam, để đi
trở lại trên những "đường xưa lối cũ." Lân bảo, vẫn biết mỗi
người có quyền chọn cho mình một cách sống riêng để bù đắp những mất mát hay
xoa dịu phần nào vết thương quá khứ, tất cả đều tội nghiệp, nhưng sao anh vẫn
thấy có điều gì đó làm xót xa, đau đớn trong lòng.
Đôi
khi Lân than thở với tôi:
-Đã
hơn gần 30 năm sống trong cái cộng đồng ly hương này, sao nhiều lúc mình vẫn có
cái cảm giác bồng bềnh như ngày nào còn ngồi với bạn trên chiếc thuyền vượt
biển ra khơi!
Tôi lên mặt lý sự cốt an ủi Lân:
-Bạn đừng lý tưởng quá, thời gian nó sẽ xói mòn và làm đổi thay tất cả. Trong
cái xô bồ, mình phải gạn lọc để chấp nhận và trân trọng những gì tương đối, bởi
rất nhiều anh em, cũng như chúng ta, đành phải "lực bất tòng tâm"
trước những ước vọng đó sao!
Tôi thầm tiếc và tội nghiệp cho Lân, một con người yêu nước, tài ba, can
đảm và đức độ như vậy mà chẳng còn một nơi nào để "dụng võ".
Nhiều lúc thấy Lân trầm ngâm, ngồi im lặng như một thiền sư, tôi
tự hỏi, từ ngày chọn con đường tu hành, ngày đêm với kinh kệ, không biết trong
lòng Lân có còn nỗi khắc khoải nào không? Tôi ngại không dám hỏi Lân. Mới đây,
trong lúc ngồi bên nhau Lân nói với tôi:
-Bây giờ tôi chỉ còn mong ước hai điều, trước khi chết được thấy đất nước mình
đổi thay, không còn Cộng sản, và khi nhắm mắt được có bạn ở bên cạnh để vuốt mắt
và niệm cho tôi một bài kinh A Di Đà!
***
Con
chim gỗ trên chiếc đồng hồ treo trong quán cà phê vừa hót lên bảy tiếng. Như
vậy là bọn tôi ngồi đây đã ba giờ đồng hồ. Trời không tối nên cứ tưởng còn sớm
lắm. Ánh mặt trời vẫn chói chang qua những tàng cây. Tôi đứng dậy dành đi trả
tiền. Lân bước ra trước, đứng chờ ở vệ đường, nhắm mắt ngước mặt lên trời.
Không biết anh đang cầu nguyện điều gì hay muốn xóa đi, quên hết những gì mà
chúng tôi vừa tâm sự, để trở về với cái tâm yên tĩnh của một thầy tu. Anh đứng
yên lặng nhưng cái bóng của anh lung linh, sống động trải dài theo bờ con dốc
đá. Nhìn cái bóng, tôi mơ hồ như bất ngờ được gặp lại người phi công trẻ, hào
hoa, oai hùng, mà mình đã từng quen biết từ một thời nào xa xưa như trong tiền
kiếp.
Bỗng
dưng, tôi nhớ tới những đồng đội bạn bè đã hy sinh, nhớ tới những chàng phi
công hào hùng đã từng sống chết với đơn vị tôi trong Mùa Hè 1972 và suốt một
thời binh lửa. Khi bước đến bên Lân, tôi vẫn thấy anh đứng lặng yên, bất động,
hướng mắt nhìn về một nơi xa xăm nào đó. Trên không gian bao la chỉ có vài áng
mây đang chầm chậm bay về phía cuối chân trời.
No comments:
Post a Comment