Thursday, April 28, 2016

Tháng tu-2016, đọc lại 2 chuyện nhẩy dù

Chuyện số 1

30 Tháng 4 của Tiểu đoàn 9 Dù
(Giao Chỉ - viết cho mùa kỷ niệm tháng Tư Đen 1982) .Ghi chú: Hỏi thăm ai biết
thiếu tá nhẩy dù Lê Mạnh Đường hiện ở đâu?
.
Ngày 26 tháng 5-1975 tại văn phòng thủ tục của Tent City (thành phố lều) đảo Guam, một ngườI đàn ông ngoài 40 tuổI, dáng dấp khỏe mạnh, bước đi chắc chắn, bước vào khai giấy tờ để đưa gia đình ông ta vào tỵ nạn tạI Hoa Kỳ. Nhân viên văn phòng cơ quan thiện nguyện hỏI gia đình ông có bao nhiêu ngườI ?
- Gia đình tôi có bốn trăm lẻ tám người. Ông đáp bằng giọng nghiêm trang không hề mỉa mai, không hề diễu cợt. Và ngườI đàn ông độc thân đó nói thêm : “ Tất cả đều là con cái của tôi.”.
Thực vậy , đó là những đứa con còn lại Tiểu đoàn 9, Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa !

Trên trận tuyến Long khánh, Xuân Lộc, Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù cùng với Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 8 thuộc Lữ đoàn 1 của Trung tá Nguyễn Văn Định đã đóng vai cản đường 4 Sư đoàn Việt Cộng tiến về Sài Gòn suốt tháng 4 năm 1975. Trong những ngày cuối, Thiếu tá Nhỏ ,Tiểu đoàn trưởng, bị thương và Thiếu tá Lê Mạnh Đường ngườI Đại độI trưởng can trường của ĐạI đội 92, sĩ quan Thủ Đức 13 năm lính đã được đôn lên nắm Tiểu đoàn .

Trong số 12 Tiểu đoàn tác chiến của Sư đoàn Dù, Chín Dù không phải là đàn anh, nhưng cũng không phải là em út. Chín Dù ra đời sau trận Đồng Xoài của những năm 66. Tiểu đoàn chín nút của binh chủng Dù luôn luôn cố gắng và đạt trên mức trung bình.

Cho đến khi vào Hạ Lào thì Chín Dù mới có dịp thi thố tột cùng khả năng của nó. Nếu không phải là Chín Dù thì thằng nào đã gỡ chốt Suối Máu ở nước Lào, nơi đã làm tan tác cả Tiểu đoàn 1. Chính xứ Lào nắng đỏ mà Đại đội 92 của Chín Dù đã đánh một trận để đời cuốI cùng.
Bây giờ là đến lần Lê Mạnh Đường của 92 lên nắm Chín Dù ở vườn cam tướng Tỵ bên tuyến đầu Long Khánh .

Tháng 4 của năm 1975, cũng vào khoảng giờ này đây, tướng Lê Minh Đảo Tư Lệnh Sư đoàn 18 lên máy ra lệnh tử thủ. Sư đoàn 18 lính cậu mà đột nhiên chiến đấu sinh tử như vậy kể ra khá ngon lành. Nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ. Nghe ra có vẻ cảI lương nhưng đó là sự thật. Cả tuyến đầu Long Khánh vỡ. Chín Dù được lệnh cuốn chiếu. Từ Long Khánh giạt về Bà Rịa thì Phước Tuy đã lọt vào tay địch .

Sau mấy tháng quần thảo vớI kẻ thù, Chín Dù đã mệt nhoài, gặp lại tướng Hinh của Sư đoàn 3 đang tái tổ chức đơn vị . Xếp Hinh giao cho 20 chiến xa để Chín Dù lấy lại Phước Tuy. Với những đứa con lưng còng vì súng đạn Chín Dù lại một lần nữa đứng lên dựa vào tường để đánh qua núi Đất . Đánh để lấy đường về Vũng Tàu. Và từ Vũng Tàu sẽ theo cận duyên về Gò Công. Và từ Gò Công sẽ có Quân Khu 4. Có đất có dân, Chín Dù sẽ cố gắng mà tồn tại . . . với Việt Nam Cộng Hòa. Ấy là cứ mong như vậy.
Nhưng không phải xong trận Núi Đất mà xong việc. Trong sự hỗn loạn tột cùng của cả nước, con đường duy nhất dẫn ra biển Vũng Tàu đã trở thành quốc lộ kinh hoàng. Trong cơn mê sảng của sự sụp đổ toàn diện. Chín Dù vượt cầu Cỏ May và trấn thủ tại Cỏ May hai đêm trong một tinh thần trật tự và kỷ luật phi thường.

Chắc chắn giờ này hơn 400 lính Dù của Tiểu đoàn 9 ở khắp nơi trên nước Mỹ vẫn còn nhớ những giờ phút cuối. Sau khi Chín Dù đánh sập cầu Cỏ May, địch vẫn còn bám theo từng bước..
Chỉ còn nhờ những chiến xa còn lại của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chính những đám lính mũ đen của binh chủng Thiết Giáp đã giàn hàng tiến về phía địch làm rào cản để Chín Dù có thể xuống thuyền. Kể từ năm 66 của trận Đồng Xoài, khi mà nhảy dù mũ đỏ tùng thiết, mũ đen thiết giáp yên dạ. Nhảy Dù chưa có bao giờ bỏ Thiết Giáp bơ vơ. Vào tháng 4 năm 75, lần đầu tiên và là lần cuốI cùng, nhảy dù đã phảI bỏ thiết giáp. Những con “cua” anh hùng đã phơi mình chết trên cồn cát trắng ở Vũng Tàu để cho bạn hữu của nó mở đường máu về Gò Công. Nhưng rồi Gò Công cũng không phải là vùng đất hứa. Trong phiên họp lịch sử, Lữ đoàn 1 Dù đã chia sẻ đau thương với cả nước. Những quyết định khó khăn nhất đã phải thực hiện. Lữ Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Đĩnh ở lại. Lữ đoàn phó Lê Hồng ra đi. Riêng Chín Dù của Lê Mạnh Đường ra đi gần trọn gói . Đúng như vậy. Trung tá Lê Hồng là người sau này theo ông Minh về chết trên đường phục quốc...

Khi đến Tent City ở Guam, người Tiểu đoàn trưởng cuối cùng của Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù đã đứng đó mà khai rằng gia đình ông ta có 402 đứa con !

Bây giờ thì chắc các anh đã hiểu là tại sao HộI Ái Hữu của Nhảy Dù Việt Nam lại được gọi là Gia Đình Mũ Đỏ. Họ đã sống với nhau như trong một gia đình và họ còn đang cố đùm bọc nhau theo cái cung cách đó. Tướng Lê Quang Lưỡng, vị Tư Lệnh cuối cùng của Sư đoàn Dù QLVNCH cũng còn đang khắc khoải. Năm trước ông đã về Thái Lan rồi lại trở lạI Mỹ. Hoàn cảnh úp xuống đầu như cái cũi nhốt những con cọp trong sở thú. Ở cái đất Mỹ mênh mông này coi vậy mà tù túng chật hẹp lắm. Lữ đoàn phó Lê Hồng đã về rồi, như Hổ đã về rừng. Lê Mạnh Đường tạm cư ở Cali. Tuy xác phàm nhưng vẫn mang hồn lính “Người ta có thể đưa tôi ra khỏi quân đội, nhưng không ai có thể đưa quân đội ra khỏi tôi .”.
Thực vậy những người lính còn lại cuối cùng của Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, không ai có thể đưa quân đội ra khỏi anh.
.
(Viết cho Nguyễn Thế Nhã anh hùng, ngườI bạn cùng khóa đầu đời quân ngũ của tôi, cựu Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 9 Dù, đã hy sinh tạI Thừa Thiên )
Mùa kỷ niệm 7 năm tháng Tư Đen 
San Jose 1982
 
Giao Chỉ

Ghi chú sau cùng.
Các anh đừng hỏi tôi Lê mạnh Đường hiện ở đâu.
Người tiểu đoàn trưởng cuối cùng của tiểu đoàn 9 nhẩy dù mới qua đời tại Sacramento.
.
 .
Chuyện số 2.
CHUYẾN XE TANG VỀ QUÊ CHỒNG
Giao Chỉ - San Jose
(Lời kể lại của Lệ Hà)
Cố Trung Úy Dù QUÁCH VĂN SỞ
Khóa 24 Trường VBQGVN
San Jose ngày 29 tháng 04 năm 2009.

Em là Trần Thị Lệ Hà, quê Cần Thơ, hiện cư ngụ tại San Jose, xin kể lại cho bác Lộc và các bác niên trưởng trong quân đội câu chuyện năm 1975. Nếu miền Nam và Saigon gọi ngày 30 tháng Tư 75 là ngày tang của đất nước thì ngày tang của Trần Thị Lệ Hà đến sớm hơn một ngày. Đó là ngày 29 tháng 4 năm 1975. Đêm 28 tháng 4 cách đây 34 năm trung úy Quách Văn Sở, võ bị Đà Lạt khóa 24, từ giã vợ con vào trại Hoàng Hoa Thám sinh hoạt với tân binh nhảy dù. Trung úy mũ đỏ Quách Văn Sở rất có tinh thần trách nhiệm, đã có giấy lên đại úy nhưng còn chờ lễ đeo lon. Quá nửa đêm 28 qua sáng 29 thì Việt cộng pháo kích vào Tân Sơn Nhất và trại Hoàng Hoa Thám. Sáng sớm 29 tháng 4 lính dù chạy về báo tin anh Sở, chồng của Lệ Hà đã chết. Cùng một lúc khu trại gia binh nhảy dù phải di tản. Em lúc đó 25 tuổi, con trai đầu lòng được 7 tháng. Chẳng có ai thân thuộc. Mẹ con ôm nhau chạy qua nhà ông cậu bên thành Lê Văn Duyệt. Chồng chết ra sao cũng không biết. Đường xá kẹt hết. Chuyện chiến tranh, trận mạc nhà binh từ khi lấy nhau tất cả đều do anh Sở quyết định. Nay bỗng nhiên trời xập, ôm đứa con dại, em ngồi khóc một mình. Không biết xác chồng nằm ở nơi đâu. Chung quanh Sài Gòn náo loạn, ai mà lưu tâm đến người vợ trẻ mất chồng vào cuối tháng 4. Phải mà anh Sở chết sớm hơn một tháng thì truyền thống lính dù đã đưa xác về tận nhà. Tang lễ uy nghi, có đơn vị trưởng chứng kiến lễ gấp cờ, như em đã thấy tại sân Hoàng Hoa Thám. Nhưng sao anh Sở lại chết vào cuối tháng tư, giờ thứ 25 của cuộc chiến.
Trải qua một đêm dài thảm kịch. Thằng bé Quách Vĩnh Hưng ôm mẹ nằm trên đất lạ. Cả mẹ con đều không thấy tương lai
.
Xác anh, giờ ở phương nào?
Sáng hôm sau, nhờ cậu em họ dẫn đường vào trại Hoàng Hoa Thám để tìm xác anh Quách Văn Sở. Doanh trại đã di tản. Ở một vài nơi quân ta còn kháng cự và quân địch chưa tiến vào. Khu bị pháo kích chỉ còn di tích đổ nát, thương binh tử sĩ nhảy dù chẳng còn thấy nữa. Nghe nói các chiến binh mũ đỏ đã tản thương anh em vào đêm 29 và đưa xác tử sĩ lên nghĩa trang Biên Hòa.
Trên trời máy bay trực thăng ồn ào chở người di tản suốt ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Sáng 1 tháng 5 năm 1975, Saigon đổi chủ, em chẳng hề quan tâm. Nhờ người gởi con một nơi, lấy xe máy lên tìm chồng tại nghĩa trang Biên Hòa. Đây là lần đầu tiên em tìm về nơi chôn cất tử sĩ miền Nam. Khu đơn vị chung sự Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đầy xác chết và quan tài đủ loại. Có người phe ta còn làm việc nhưng mặc đồ dân sự. Lính cộng sản xuất hiện nhưng xem chừng còn ngại ngùng không kiểm soát. Phe ta mạnh ai nấy tìm xác người thân và than khóc. Tử sĩ miền Nam vẫn còn đầy đủ quân phục, danh tính cấp bậc. Trên quan tài vẫn còn đèn nến và vàng hương. Thân nhân ngồi khóc bên các tử sĩ từ các nơi chở về. Sau cùng em tìm được xác anh Quách Văn Sở, đã được tẩm liệm và cho vào quan tài. Một bác mặc đồ dân sự nói rằng chị yên tâm, tôi sẽ ghi dấu quan tài của ông Trung úy nhảy dù. Tôi cũng là lính Việt Nam Cộng Hòa. Đã hơn 30 năm rồi, em vẫn còn nhớ hình dáng của người lính bên ta lo việc mai táng vào lúc mà toàn quân cùng với quốc gia không còn nữa. Sau khi thấy rõ tên tuổi di tích của anh Sở nằm đó, em trở về Saigon bắt đầu tìm xe thuê chở xác chồng về quê. Năm xưa, vợ chồng từ Hậu Giang lên Sài Gòn, bây giờ anh đã vĩnh viễn nằm xuống, em nhất định phải chở anh về với gia đình, về nơi anh đã ra đời.
Quê em ở Cần Thơ, quê chồng ở Rạch Giá. Giờ này mẹ và các anh em họ hàng bên anh Sở vẫn chưa biết là anh đã hy sinh. Suốt mấy ngày đầu tháng 5, em tìm mọi cách để thuê xe chở quan tài. Trong những ngày giờ đó, chẳng quen biết ai, làm sao mà thuyết phục được chủ xe chở xác sĩ quan dù về tận Rạch Giá. Sau cùng khi tìm được lại phải cùng với chủ xe đi mua xăng. Tiền bạc không đủ, phải trả cả bằng nữ trang và nhẫn cưới đầy kỷ niệm.

Chuyến xe tang về quê chồng

Đưa xe tải về nhà, dọn những gì có thể đem đi được, từ giã cư xá gia binh, chấm dứt đời vợ lính. Mẹ ôm con lên xe trở lại nghĩa trang. Đó là ngày 3 tháng 5 năm 1975. Nghĩa trang đã thay đổi. Tất cả các xác chết đã bị Việt cộng bắt chôn tập thể. Nhưng may thay những quan tài có người nhận từ hôm trước vẫn còn. Vàng hương và tên tuổi cấp bậc thì vứt đống dưới đất. Người lính chung sự Việt Nam Cộng Hòa mặc đồ dân sự vẫn còn đó. Ông nói rằng quan tài này của trung úy dù tôi vẫn ghi dấu là đã có thân nhân đến nhận. Xin thưa với bác là em cũng chẳng biết tên ông lính đó là ai, nhưng ơn nghĩa tử sinh thì em ghi nhớ suốt đời. Nếu không có ông này, chắc xác anh Sở cũng phải nằm chung trong mồ tập thể. Rồi nhờ mỗi người một tay, quan tài anh Quách Văn Sở được khiêng lên xe hàng. Mẹ con ôm nhau ngồi bên xác anh suốt quãng đường dài. Đó là chuyến xe tang về quê chồng tháng 5 năm 1975.
Bác hỏi em quang cảnh bên đường ra sao. Bác ơi, vợ lính 25 tuổi, ôm thằng bé chưa được một tuổi. Lòng dạ nào mà nhìn thấy hai bên đường. Mắt em mở nhưng chỉ thấy toàn kỷ niệm quá khứ. Em là nữ sinh Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ.
Anh Sở là sinh viên đại học Cần Thơ. Gặp nhau, hẹn hò, yêu đương. Từ đại học Cần Thơ anh vào võ bị khóa 24 học suốt 4 năm. Em ra trường làm công chức, đổi từ Cần Thơ lên Saigon. Bốn năm Đà Lạt, Sài Gòn tình yêu thơ mộng biết chừng nào. Ra trường anh đi lính nhảy dù đóng tại trại mũ đỏ Hoàng Hoa Thám, em làm công chức tại văn phòng phủ thủ tướng. Đâu có quen biết ông lớn nào đâu. Sở công vụ cho đi đâu thì làm đó. Chiến tranh ở đâu thì không biết nhưng Saigon, Cần Thơ và Rạch Giá là những miền đất đầy hạnh phúc của một gia đình trẻ với đứa con trai.
Từ đầu tháng tư mẹ em ở Cần Thơ rất lo sợ cho con rể, con gái và cháu ngoại. Mẹ anh Sở ở Rạch Giá cũng đang cầu nguyện cho con trai, con dâu và cháu nội.
Chuyến xe đau thương của em ghé Cần Thơ. Mẹ thấy con gái về bèn ôm cháu ngoại hỏi rằng còn thằng Sở đâu. Con gái mẹ kêu khóc mà nói rằng: anh Sở chết rồi. Con đưa xác về đây. Mẹ đi với con qua Rạch Giá. Mẹ già tất tả vừa khóc vừa gói quần áo theo con gái lên xe. Cả xóm tuôn ra nhìn theo, chiếc xe tang về quê chồng lại lên đường. Xe tải chở theo bà xui Cần Thơ đi theo con gái. Nước mắt góa phụ trẻ bây giờ thêm nước mắt mẹ già. Thằng rể quí của bà đi lính nhảy dù mấy năm không chết mà đến ngày cuối cùng lại tử trận.

Người lính mũ đỏ đất Kiên Giang
Năm 1971 có anh sĩ quan nhảy dù xuất thân võ bị làm đám cưới ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ, tiệc bên nhà gái xong là rước dâu về Rạch Giá. Đoàn xe hoa cũng đi theo con đường này. Qua đến năm 1975, xe hàng chở quan tài người lính chiến về lại quê xưa, cũng có bà xui đại diện cho nhà gái trong chuyến đi cuối cùng. Xe về đến Rạch Giá, cả nhà họ Quách ra đón mừng, thấy quan tài con trai út bà mẹ té dài ngay trên bậc cửa.
Mẹ của anh lính dù có hai người con trai. Mấy năm trước người anh tên là Quách Hải đã tử trận. Còn cậu út nhất định đi võ bị rồi theo nhảy dù, bà tưởng rằng gởi gấm được ông tướng Dư Quốc Đống vốn là thân quyến thì cũng đỡ nạn binh đao. Ai ngờ anh sỹ quan nhảy dù chết ngay tại trại Hoàng Hoa Thám vào giờ phút sau cùng của cuộc chiến.
Mặc dù lúc đó cộng sản 30 tháng 4 tại Kiên Giang đã làm khó dễ nhưng người góa phụ trẻ hoàn toàn không có kinh nghiệm trong cuộc sống đã một mình đơn độc đem xác chồng về chôn tại quê nhà. Câu chuyện làm xúc động bà con lối xóm nên đám tang rất đông người dự để tiễn đưa người lính dù cuối cùng của đất Kiên Giang trở về quê mẹ.

Nước non ngàn dặm ra đi
Sau đó em trốn tránh quanh quẩn tại Hậu Giang vì muốn giấu lý lịch vợ lính dù, lại làm công chức phủ thủ tướng. Qua năm 1979 trở về Cần Thơ vượt biên với má và thằng con trai. Nhờ anh Sở phù hộ, tàu qua Mã Lai bị kéo ra biển nhưng rồi cố lết qua được Indo. Ở bên Nam Dương một năm thì vào Mỹ, đến ngay San Jose. Mấy năm sau, em gặp ông xã sau này, hai bên lập gia đình và có thêm hai cháu.
Thưa với bác Lộc rõ, em có duyên số với Võ bị và Rạch Giá. Ông xã hiên nay của em cũng là người quê Rạch Giá, cùng vượt biên năm 1979 trong một chuyến khác. Qua đây mới gặp nhau. Ông ấy ngày xưa cũng dạy trường võ bị Đà Lạt. Con cái của gia đình em, nói để các bác mừng cho, tất cả đều thành đạt và hạnh phúc. Các cháu cũng đã lập gia đình và có thêm các cháu nội ngoại.
Ông xã em bây giờ hết sức tế nhị và thông cảm. Chính ông đã làm một bàn thờ tại gia để ghi nhớ hình ảnh của trung úy nhảy dù Quách Văn Sở ba của cháu Quách Vĩnh Hưng. Năm nay cháu 35 tuổi.                                                                                                           

Chút di sản muộn màng, gửi tương lai vĩnh cửu
Đã 34 năm qua, em còn lưu giữ hồ sơ của anh Sở. Một tờ khai gia đình của khu gia binh sư đoàn nhảy dù, căn cứ Hoàng Hòa Thám. Có chữ ký của thượng sỹ Trần Văn Linh, trưởng trại gia binh. Kiến thị bởi trung tá Nguyễn Văn Tư chỉ huy trưởng căn cứ và chữ ký của gia trưởng trung úy Quách Văn Sở. Ngoài ra còn giấy chứng nhận bằng nhảy dù, thẻ căn cước dân sự, thẻ căn cước quân nhân, chứng chỉ tại ngũ. Trên các thẻ căn cước, chỗ nào cũng có tên mẹ của anh Sở là Dư Thị Kim Thoa, bà là vai cô của tướng Dư Quốc Đống. Trung úy Sở còn tờ giấy nghỉ phép 5 ngày từ 26 tháng 4 đến 30 tháng 4 năm 1975. Cầm giấy phép, nhưng anh Sở không đi phép. Vì lo tân binh Nhẩy dù mất tinh thần nên tối 28 tháng 4 năm 1975 anh vào trại. Trận pháo kích sau cùng đã làm thay đổi vận mệnh của cả gia đình. Người thanh niên Kiên Giang, trải qua 4 năm sinh viên võ bị Đà Lạt, 5 năm sỹ quan nhẩy dù, từ giã cuộc đời năm 30 tuổi. Anh để lại tấm thẻ bài hai mảnh. Gia đình còn giữ suốt 34 năm qua. Nay đã đến lúc chia tay đôi ngả. Một tấm đi theo quân bạ vào viện bảo tàng. Còn một mảnh xin giữ làm kỷ niệm cho con cháu họ Quách đời sau. Với đầy đủ tên họ, số quân và loại máu.

Tâm nguyện cho tương lai
Thưa bác, kể xong chuyện ma chay cho người chồng chiến binh 34 năm về trước, trao được các di vật cho viện bảo tàng Việt Nam tại San Jose, em rất yên tâm. Xin cảm ơn nhà em ngày nay, nguyên là giáo sư võ bị ngày xưa đã thông cảm, sẽ thông cảm thêm. Con trai của anh Sở nay đã 35 tuổi, sẽ hiểu biết thêm chuyện gia đình và chiến tranh. Những đứa con sau này ra đời tại San Jose bây giờ mới biết ngày xưa mẹ sống trong trại lính Dù có tên là Hoàng Hoa Thám. Anh em Đà Lạt khóa 24 biết thêm về người con gái miền Tây làm dâu võ bị hai lần. Người Rạch Giá cũng biết thêm về cô gái Cần Thơ hai lần lấy chồng xứ Kiên Giang.
Và em tạ ơn trời đất còn có ngày nay. Trước sau em cũng chỉ là người vợ lính đã từng sống trong trại gia binh.
Em cám ơn các bác đã nghe hết câu chuyện 29 tháng 4 của em 34 năm về trước.
Giao Chi - San Jose

Giao Chi San Jose.   giaochi12@gmail.com  (408) 316 8393

1 comment:

  1. Tôi có gặp Th/T Đường o Washington; va truoc đó gặp Tr/T Lê Hồng o New Orleans.

    ReplyDelete