Thursday, April 3, 2014
Tướng Cao Văn Viên kể lại 2 buổi họp lịch sử Tháng 3/75
Trong loạt bài viết về cuộc triệt thoái khỏi Cao nguyên trong tháng 3/1975, được phổ biến trên Việt Báo cách đây hai năm, chúng tôi có trình bày sơ lược về một số cuộc họp đặc biệt của Hội đồng An ninh Quốc gia do Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa để duyệt xét tình hình chiến sự. Thể theo lời yêu cầu của đông đảo bạn đọc, VB xin giới thiệu bài viết trình bày chi tiết về hai cuộc họp lịch sử di-n ra trong tháng 3/1975, một cuộc họp tại Dinh Ðộc Lập vào ngày 11/3 và cuộc họp mang tích cách quyết định chiến trường Quân khu 2 tổ chức tại Cam Ranh ngày 14/3. Phần này được biên soạn dựa theo loạt bài của cựu đại tướng Cao Văn Viên viết cho Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ (nguyên bản bằng tiếng Anh, do dịch giả Duy Nguyên chuyển sang tiếng Việt), có đối chiếu với các bản tin chiến sự của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH phổ biến cho báo chí, và hồi ký của cựu trung tướng Trần Văn Ðôn.
* Cuộc họp ngày 11/3/1975 tại Dinh Ðộc Lập
Một ngày sau khi Cộng quân tổng tấn công vào Ban Mê Thuột, sáng ngày 11 tháng Ba, 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng Trần Thiện Khiêm, đại tướng Tổng tham mưu trưởng QL.VNCH Cao Văn Viên, trung tướng Ðặng Văn Quang, phụ tá An ninh của Tổng thống đến dinh Ðộc Lập để ăn sáng và họp. Sau khi ăn và uống cà phê xong, các nhân viên phục dịch đi hết, Tổng thống Thiệu lấy ra một tấm bản đồ có tỷ lệ nhỏ của Việt Nam Cộng Hòa và bắt đầu nói đến tình hình quân sự ở mỗi nơị Sau đó, Tổng thống Thiệu nói thật rằng “tính ra thực lực của chúng ta thì không thể nào giữ hết nổi lãnh thổ như ý chúng ta được”. Vì vậy chúng ta cần phối trí lực lượng lại để phòng thủ những nơi nào đông dân cư mà thôi và tăng cường bảo vệ những nơi nào hiểm yếu.
Nhắc lại chuyện này, đại tướng Viên đã ghi lại trong hồi ký như sau: Kết luận này làm chúng tôi ngạc nhiên vì nói như vậy tức là ông đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Dường như ông chưa muốn công bố quyết định này nên tỏ ý rằng chỉ cho ba chúng tôi tham dự bữa ăn sáng này biết trước. Tổng thống Thiệu đã vạch ra một bản đồ ghi những vị trí quan trọng. Ða số các vị trí này đều nằm quanh Quân khu 3 và 4 cùng với hải phận của hai quân khu này. Chỉ một vài nơi quan trọng mà hiện lúc ấy đang bị Cộng sản chiếm và như vậy Quân đội VNCH phải ra sức tái chiếm lấy bằng mọi giá. Sau cùng, lãnh thổ mà Quân đội VNCH sẽ giữ gồm những nơi vựa lúa, đồn điền cao su, khu kỹ nghệ, v.v. Chính phủ cần giữ những nơi trù phú và đông dân đó. Thêm nữa, ngoài thềm lục địa vừa mới khám phá có dầu, và chính phủ xem đó là những vùng yết hầu bất khả xâm phạm, nơi cần giữ vững nhất là Sài Gòn, các tỉnh phụ cận và vùng châu thổ sông Cửu Long.
Theo lời đại tướng Viên, Tổng thống Thiệu đã thao thao bất tuyệt về kế hoạch tái phối trí vùng địa lý chánh trị, nhưng khi đề cập đến Quân khu 1 và Quân khu 2 thì Tổng thống Thiệu không còn vẻ khẳng khái. Còn Cao nguyên Trung phần thì ông vừa nói, vừa dùng tay chỉ vào khu vực Ban Mê Thuột, quan niệm rằng đó là nơi quan trọng hơn Pleiku và Kontum gộp lại vì vị trí kinh tế và dân số. Những tỉnh dọc duyên hải Quân khu 2 cũng quan trọng không kém vì các tỉnh này có thềm lục địa nhiều tiềm năng khai thác. Còn đối với Quân khu 1 thì ông chủ trương giữ vững những gì giữ được. Tại đây, ông phác họa một kế hoạch nhiều giai đoạn đánh dấu bằng đường ranh cắt bỏ dần để rút xuống phía Nam. Ông nói: Nếu chúng ta đủ sức, thì sẽ giữ đến Huế hay Ðà Nẵng. Nếu không thì rút về và giữ từ Chu Lai hoặc từ Tuy Hòa trở vào. Ông nhấn mạnh làm như vậy chúng ta mới tái phối trí được khả năng mình, giữ vững được các yếu điểm của lãnh thổ một cách hữu hiệu và mới có cơ may phát triển đất nước giàu mạnh được.
Cứ như vậy, Tổng thống Thiệu nói hết ý định của mình, và cũng kể như quyết định quan trọng. Thế nhưng dụng ý của toàn bộ kế hoạch thì chưa rõ, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra nhiều vấn đề, nhất là về phương diện quân sự. Với tư cách một Tổng tham mưu trưởng, cố vấn quân sự cho Tổng thống, đại tướng Viên cảm thấy có bổn phận phải lên tiếng. Sau đây là ý kiến của đại tướng Viên trình bày tại buổi họp: Tôi (đại tướng Viên) nói rằng khi tái phối trí thì quả thật có hiệu quả phòng thủ tuy hệ quả của nó không thể tránh khỏi, và tôi cũng đã từng nghĩ đến tình trạng này từ lâụ Tuy nhiên tôi chưa nói ra vì chưa phải lúc. Trước hết, tái phối trí là trái với chủ trương duy trì chính sách quốc gia, và thứ hai tôi đưa ra đề nghị đó thì có thể bị nghĩ là có óc chủ bại. Duy có điều tôi nhấn mệnh đến một sự tái phối trí lúc này đã quá trễ và không chắc thành công được. Ngoài ra tôi không cho rằng quyết định này của Tổng thống sẽ loại trừ được bất cứ chỉ trích có lợi nào. Dù sao, với tư cách tổng tư lệnh Quân đội, Tổng thống có toàn quyền và trách nhiệm để đưa ra mọi quyết định ứng phó với cuộc chiến. Chắc ông đã nắm vững những gì ông đang làm chứ.
Nhận xét tổng quát về quyết định của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đại tướng Viên viết: Cho dù quyết định này có đi sai chính sách quốc gia hiện hành đến cách mấy, bản thân quyết định đó vẫn hợp lý mà một nhà lãnh đạo có thể làm được. Ðã hai năm kể từ ngày Hiệp định Ba Lê được ký kết, tình hình cứ suy sụp đến mức báo động. Chỉ có thể phê bình Tổng thống là ở điểm tại sao ông đợi lâu đến như vậy mới đưa ra quyết định. Trong cuộc họp, ông không hề giải thích hay có hướng dẫn nào về những bước cần thiết khi ông quyết định như vậy. Dường như quyết định do thực tế bên ngoài đưa tới.
* Cuộc họp ngày 14/3/1975 quyết định tình hình chiến trường
Cũng theo hồi ký của đại tướng Cao Văn Viên, hai ngày sau cuộc họp lịch sử tại Dinh Ðộc Lập (ngày 11/3/1975), Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu muốn lên thăm tướng Phạm Văn Phú ngay tại bộ tư lệnh Quân đoàn 2 ở Pleikụ Nhưng lúc đó, Ban Mê Thuột đang bị Cộng quân vây hãm, còn Pleiku thì bị áp lực địch vì hỏa lực pháo binh của địch cứ nã vào thị xã từng hồi. Do đó Tổng thống Thiệu không thể đến được. Lo lắng cho sự an toàn của Tổng thống, thiếu tướng Phú đề nghị họp tại một địa điểm khác. Sau một hồi bàn bạc, Tổng thống Thiệu quyết định họp tại Cam Ranh. Buổi họp diễn ra ngày thứ Sáu, 14 tháng 3/1975.
Ðịa điểm họp này là một tòa nhà nằm vắt vẻo trên đỉnh đồi. Ðó là nơi mà vào năm 1966 binh sĩ Hoa Kỳ cấp tốc xây dựng để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Tổng thống Johnson khi ông ghé thăm lực lượng Hoa Kỳ tại Cam Ranh. Cùng đi với Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ra Cam Ranh có Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, đại tướng Cao Văn Viên, trung tướng Ðặng Văn Quang.
* Diễn tiến cuộc họp lịch sử
Mở đầu cuộc họp là phần trình bày của thiếu tướng Phú. Với tư cách là tư lệnh Quân đoàn 2 & Quân khu 2, tướng Phú thuyết trình về tình hình bạn và địch trong khu vực trách nhiệm của mình. Phần thuyết trình chấm dứt, Tổng thống Thiệu chỉ hỏi một câu quan trọng nhất liên quan đến số phận của Ban Mê Thuột, đó là thiếu tướng Phú có thể chiếm lại Ban Mê Thuột không. Những người tham dự đều biết trước là thiếu tướng Phú không khẳng định được điều này nên không có câu trả lời dứt khoát. Tướng Phú chỉ yêu cầu tăng thêm viện binh.
Quay sang đại tướng Viên, Tổng thống Thiệu hỏi xem còn lực lượng nào có thể tập trung đưa lên giải vây không. Hỏi vậy nhưng chắc chắn ông biết rõ câu trả lời. Ðại tướng Viên cho biết đơn vị cuối cùng là Liên đoàn 7 Biệt Ðộng Quân đã được phái lên Vùng 2 theo yêu cầu của thiếu tướng Phú. Lực lượng chủ chốt là Sư đoàn Nhảy Dù và Sư đoàn Thủy quân lục chiến thì đều ở Quân khu 1 từ năm 1972. Theo lời đại tướng Viên thì vào giờ phút nghiêm trọng như vậy mà bộ Tổng Tham Mưu không thể nào tăng viện cho Quân khu 2 được. Tổng thống Thiệu hỏi như vậy là để cho mọi người cùng hiểu thực trạng của quân đội như thế nào, và biết được bước kế tiếp ông phải làm gì.
* Kế hoạch rút quân khỏi Cao nguyên
Một lần nữa, cũng như lần ăn sáng trước tại Dinh Ðộc Lập, Tổng thống Thiệu đứng bên tấm bản đồ Việt Nam Cộng Hòa, còn thiếu tướng Phú nhìn chăm chú. Tổng thống Thiệu vừa chỉ, vừa nói, giải thích những điểm trọng yếu mà tướng Phú có nhiệm vụ phải bảo vệ. Theo Tổng thống Thiệu, vì lý do dân số và địa lý, Ban Mê Thuột lúc nào cũng quan trọng hơn cả Pleiku và Kontum cộng lại. Vì vậy bây giờ Quân đoàn 2 phải dùng lực lượng cơ hữu của mình chiếm lại thị xã Ban Mê Thuột bằng mọi giá, và như thế phải triệt thoái lực lượng tại Pleiku và Kontum.
Sau đó, Tổng thống Thiệu hỏi tướng Phú là sẽ bố trí lực lượng ra sao để chiếm lại và đường nào sẽ dùng để chuyển quân đến Ban Mê Thuột. Tướng Phú đã trình bày rằng Quốc lộ 19 chạy từ Pleiku về hướng Ðông ra đến biển thì không thể dùng được, đại đơn vị còn đầy đủ quân số và khả năng chiến đấu tốt là Sư đoàn 22 Bộ binh đã không khai thông được đoạn đường tại Bình Khệ Quốc lộ 14 nối liền Ban Mê Thuột và Pleiku theo trục Nam-Bắc cũng bị cắt tại Thuận Mẫn, phía bắc thị xã Ban Mê Thuột.
Tướng Phú nhận định rằng có thể giải tỏa đường này nhưng rất khó khăn vì làm như vậy địch quân sẽ biết có quân cứu viện. Vì vậy, theo tướng Phú cho rằng ông muốn sử dụng con đường liên tỉnh lộ 7B. Ðây là con đường đá từ quốc lộ 14 đi Hậu Bổn (có đèo Cheo Reo) về Tuy Hòa sát biển. Ðường này rất ghồ ghề, đá lởm chởm và bị bỏ lâu không dùng đến.
* Lộ trình rút quân và những bài học từ cuộc chiến Ðông Dương
Theo phân tích của đại tướng Viên, ngoài trừ khúc từ Quốc lộ 14 đi Hậu Bổn còn dùng được, đoạn còn lại không biết tình hình giao thông như thế nào. Tuy nhiên, có một điều biết chắc là cầu bắc qua sông Ba về phía Nam của Củng Sơn đã bị phá hủy hoàn toàn, không thể sửa chữa được, và đoạn đường chót đến phía tây Tuy Hòa thì những năm trước, lực lượng Ðại Hàn hoạt động tại đây đã gài mìn dày dặc. Thế nhưng tướng Phú lại tin tưởng về kế hoạch chuyển quân theo lộ trình này. Giải thích về sự chọn lựa này, tướng Phú nói yếu tố bất ngờ đã khiến ông có dự tính như thế. Tướng Phú chỉ yêu cầu bộ Tổng Tham Mưu cung cấp phương tiện cầu nổi để qua sông mà thôị Với quyền hạn của một tổng tham mưu trưởng, đại tướng Viên chấp thuận ngay lời yêu cầu của tướng Phú.
Nhận định về quyết định của Tổng thống Thiệu và kế hoạch chuyển quân của tướng Phú, đại tướng Viên cho rằng “đưa một lực lượng cỡ quân đoàn với đầy đủ quân cụ, quân xa và nhiều thứ khác trên một đoạn đường dài hơn 260 cây số qua núi cao và rừng già trên vùng Cao nguyên mà không biết tình hình an ninh con đường đó ra sao quả là một việc quá sức liều lĩnh. Có tạo được yếu tố bất ngờ hay không là do khả năng di chuyển nhanh gọn. Nhưng là một người chỉ huy sáng suốt thì lúc nào cũng phải có sự cẩn trọng trước tình trạng là địch đang có mặt hầu như cùng khắp tại khu vực đó”.
Trong phần thảo luận, với tư cách tổng tham mưu trưởng, tướng Viên đã nhắc nhở tướng Phú về những khó khăn và nguy hiểm sắp đến, cũng như biện pháp an ninh cần chuẩn bị. Tướng Viên cũng đã đề cập đến sự thất bại của quân Pháp khi muốn rút quân từ Lạng Sơn về đồng bằng trong năm 1947. Ông cũng nhắc cho tướng Phú về hai cuộc chuyển quân của hai binh đoàn Pháp trước năm 1954, theo đó một binh đoàn từ Thất Khê lên hướng Bắc và một binh đoàn từ Cao Bằng di chuyển về hướng Nam, tất cả đều bị đánh tan nát tại chân núi xung quanh Ðông Khê, dọc theo Quốc lộ Thuộc Ðịa số 4. Về địa thế và con đường mà thiếu tướng Phú chọn để di chuyển quân đoàn 2 thì vào tháng 6/1954, Lực lượng cơ động 100 nổi tiếng của quân đội Pháp tại Ðông Dương đã bị thảm sát trên Quốc lộ 19 gần An Khê và số sống sót còn lại cũng bị tiêu diệt tại Ðeo Chu-Drek trên Quốc lộ 14. Theo tướng Viên, đó là “những bài học máu xương và thảm khốc nhất mà bất cứ vị chỉ huy nào cũng phải biết rõ vì địa thế hiểm trở của vùng Cao nguyên là vậy.”
Vương Hồng Anh tổng hợp
No comments:
Post a Comment