Tháng tư đen 1975. Thoáng mà đã gần bốn thập niên trôi qua ! Từ tháng 3 năm 75 , cộng quân mở rộng chiến tranh. Ngày 13 tháng 3 Ban Mê Thuột thất thủ, kéo theo Quảng Trị và Huế mất ngày 26 tháng 3, sau đó Đà nẵng , ngày 29 tháng 3 rồi đến Nha Trang lọt vào tay CS ngày 1 tháng tư. Ngày 16 tháng 4 năm 1975, tuyến đầu Phan Rang thất thủ, phần lớn phi cơ A-37 đã được bay về đồn trú tại phi trường Tân Sơn Nhất. Các diễn biến ấy như báo trước sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hoà khi mà người đồng minh lâu đời đã trở mặt quay lưng. . .
Phi Vụ Trả Đũa Phan Rang
Tạ Thượng Tứ
Buổi chiều ngày 28 tháng 4, như thường lệ sau khi thi hành xong phi vụ hành quân, chúng tôi phóng ra cổng dùng cơm chiều, sau đó trở vào phòng trực hành quân để túc trực đêm. Bốn người chúng tôi: Thi, Chấn, Nhân và tôi đèo nhau trên 2 chiếc xe Lam, vừa vào đến cổng bổng nghe tiếng gầm thét của phản lực cơ đang oanh kích. Một vài cụm khói đen bốc lên từ nơi bến đậu phi cơ vận tải. Chiếc phi cơ A-37 cuối cùng vừa thả bom xong đang vội vả kéo lên và đuổi theo đồng bọn đang lấy hướng Đông Bắc. Tôi nghĩ thầm: “nếu giờ nầy mà các cánh gió siêu thanh phóng lên thì tụi nầy chắc là sẽ nguy to”. . . nhưng chờ đợi mãi vẫn không thấy động tĩnh gì, thế là cả bọn giặc đã thoát nạn.
Chúng tôi phóng nhanh vào phòng hành quân để tìm hiểu xem việc gì đang xảy ra, phi cơ xuất xứ từ đâu? phi đoàn nào? Loại trừ phi cơ thuộc KĐ92CT của chúng tôi, thì chỉ còn có phi đoàn 532 Gấu Đen và các phi đoàn 520 Thần Báo, 526 Quỷ Vương và 546 Thiên Sứ đang trú đóng ở Bình Thủy ( Trà Nóc).
Sau khi liên lạc với Phòng Hành Quân Chiến Cuộc SĐ4KQ thì họ xác định là không có một phi tuần A-37 nào cất cánh. Như vậy thì 5 phi cơ A-37 nầy xuất phát từ đâu? Không thể cất cánh từ Phù Cát hay Đà Nẵng (vì quá xa không đủ nhin liệu để đi và về). Chắc chắn là xuất phát từ phi trường Phan Rang. . . . . .
(Mãi sau nầy, qua các báo chí thông tin của CS ta được biết 5 phi cơ đó thuộc Phi Đội Quyết Thắng mà biên đội trưởng do tên Nguyễn Văn Lục (bay số 3) chỉ huy toàn bộ, Nguyễn Thành Trung chỉ có nhiệm vụ bay dẫn đường.
- Số 1: Nguyễn Thành Trung
- Sồ 2: Từ Để (con trai của Từ Giấy)
- Số 3: Nguyễn Văn Lục (chỉ huy)
- Số 4: Mai Vượng (chết tháng 7 năm 1975 trong 1 phi vụ huấn luyện) và tr/úy Trần văn Ơn (phi công KQVNCH).
- Số 5: Hán Văn Quảng
*****
Buổi tối, chúng tôi đang ngồi uống càphê trong phòng trực hành quân thì Đại tá Lê Văn Thảo (KĐT/KĐ92CTKQ) bước vào. Ông gọi:
- Thi, Chấn, Tứ và Liễn vào văn phòng gặp tôi.
Chúng tôi vào văn phòng, Đại tá Thảo trao cho anh Thi bản phi lệnh hành quân và ông nói ngắn gọn:
- 5 phi cơ A-37 oanh kích buổi chiều là xuất phát từ phi trường Phan Rang. Trung tướng Tư Lệnh ra lệnh cho Không Đoàn 92 chúng ta thi hành 1 phi vụ trả đủa đánh vào phi trường Phan Rang đêm nay: phi cơ mang bom nổ sẽ đánh vào bải đậu phi cơ và phi đạo còn phi cơ mang CBU-55 sẽ đánh vào Bộ Chỉ Huy của chúng (nghi ngờ là đang đóng ở 2 “trailers” cuối phi đạo. Phi trường Phan Rang giờ đây là nằm trong tay địch, hoả lực và phòng không của địch ta không rõ, do đó các anh phải rất là cẩn thận và phải thích nghi trong mọi tình huống, chủ yếu là an toàn tối đa.
Khi ông ra khỏi phòng họp, anh Thi bảo:
- Chấn mầy đi lead
- Liễn bay số 2
- Tao bay số 3
- Tứ bay số 4
Sau đó Th/tá Chấn thuyết trình sơ lược phi vụ:
- Danh hiệu phi tuần là Phong Giao, check in và di chuyển tần số 1, cất cánh tần số 2, Paris tần số 3, làm việc tần số 6. Họp đoàn cất cánh từng 2 chiếc, tập họp hướng 060, bình phi 19,500 bộ, họp đoàn hành quân (tactical formation) trực chỉ thành phố Phan Rang, 1 và 3 tắt “beacon” chỉ để đèn wing tip “dim”, 2 và 4 tắt tất cả đèn. Đến Phan Rang, chúng ta sẽ bay dọc theo sông Danh, khi đến mục tiêu, phi tuần sẽ dãn ra ở họp đoàn chiến đấu (combat formation), lần lượt tấn công vào mục tiêu đã định. Giải toả hướng nam, lấy hướng 210 , tập họp cao độ 20,500 trở về căn cứ xuất phát.
Mọi người nhận rõ và lấy dù mũ, sẳn sàng xuất phát.
*****
Chuông điện thoại reo vang. . .
- Alo, th/tá Chấn nghe.
- Thưa Th/tá, tôi là tr/sĩ Cơ, phi đạo A-37, xin báo cáo Th/tá các phi cơ đã trang bị sẳn sàng.
- Cám ơn anh, chúng tôi sẽ ra phi cơ ngay.
Chiếc xe Van đưa chúng tôi ra phi cơ. Bốn phi cơ A-37 đen sì, dưới cánh nặng trĩu bom đạn. Tôi kiểm soát bom đạn dưới cánh, cánh gió, cánh đuôi, xong phóng nhanh vào phòng lái, nai nịt, đội mủ, gắn ống dưởng khí, ra dấu gắn APU (Auxiliary Power Unit) để mở máy. Cơ trưởng gắn APU vào, đẻn phi cụ trong phòng lái sáng rực. Cơ trưởng xoay ngón tay trỏ ra hiệu mở máy, tôi gật đầu hiểu ý. Tôi mở máy trái xong rồi máy phải. Hai máy đã khởi động tốt, tôi ra dấu hiệu rút APU.
Tôi check sơ các phi cụ, mở máy truyền tin lên. Một phút sau nghe trên tần số vô tuyến:
- Phong Giao, thử vô tuyến!
- 2!
- 3!
- 4!
- 1 nghe 2, 3, 4! 5 trên 5
- Đài Kiểm Soát Tân Sơn Nhất, Phong Giao gọi!
- Tân Sơn Nhất nghe Phong Giao!
- Tân Sơn Nhất, đây Phong Giao xin di chuyển và cất cánh 4 phi cơ A-37!
- Phong Giao, Tân Sơn Nhất nhận rõ, cho phép di chuyển và cất cánh đường bay 25, gió hướng . . . . mạnh . . . , liên lạc tần số 2 để cất cánh.
- Phong Giao nhận rõ!
Bốn phi cơ A-37 âm thầm di chuyển đến cuối phi đạo, Phong Giao 1 ra lệnh:
- Phong Giao, tần số 2
- 2!
- 3!
- 4!
- Phong Giao thử vô tuyến!
- 2!
- 3!
- 4!
- Đài Kiểm Soát, Phong Giao sẳn sàng cất cánh!
- Phong Giao, đây là Đài Kiểm Soát cho phép bạn cất cánh.
- Phong Giao hiểu!
Phi cơ 1 và 2 so hàng ngang cánh trên phi đạo, số 1 ra dấu cất cánh. Đẩy tay ga lên 95%, số 1 từ từ nhả thắng. Phi cơ lướt nhanh trên phi đạo. Tiếng gầm thét của các động cơ phản lực xé tan sự tĩnh mịch của đêm, ánh lửa phụt ra từ phía sau động cơ làm tăng thêm vẻ uy nghi của 4 con chim sắt khi rời mặt đất.
- Phong Giao 1, 3 và 4 “airborne”
- 1 nhận rõ. Phong Giao qua tần số 3
- 2!
- 3!
- 4!
- Phong Giao thử vô tuyến
- 2!
- 3!
- 4!
- 1 nghe rõ 2, 3, 4
- Đài Kiểm Báo Paris , phi tuần Phong Giao 4 phi cơ A-37 cất cánh từ Tân Sơn Nhất , phi vụ đặc biệt, xin cho biết thời tiết hướng Đông Bắc khoảng 120 dậm và xin radar theo dõi!
- Phong Giao, Paris hiểu. Thời tiết hướng Đông Bắc tốt, trần mây . . . . , tầm nhìn xa . . . . đã nhìn thấy bạn trên màn ảnh radar và sẽ theo dõi!
- Paris! Phong Giao cám ơn bạn!
Phi tuần lấy hướng Đông Bắc, lấy thành phố Phan Rang làm chuẩn, sau đó sẽ bay dọc theo sông Danh, hướng Tây Tây Bắc để oanh kích phi trường Phan Rang theo những mục tiêu đã định.
Đã hơn 2 tuần kể từ sau ngày di tản khỏi Phan Rang, giờ đây mỗi người trong chúng tôi không ai tránh khỏi bùi ngùi khi trông thấy lại thành phồ củ, những con đường xưa thân yêu và quen thuộc. Trăng sáng vằng vặc thành phố Phan Rang trước mặt đèn đuốc vẫn sáng choang. Tôi nhìn đồng hồ: 12 giờ 30 phút. Đã sang một ngày mới: ngày 29 tháng 4. . .
Th/tá Chấn nghiêng cánh trái bay dọc theo sông Danh hướng về phi trường. Năm phút sau, dưới ánh trăng lờ mờ phi trường hiện rõ hai phi đạo song song (phi đạo 04-22), cuối đường bay là bãi đâu phi cơ A-37 (khoảng hơn 10 chiếc). Trong số phi cơ nầy chắc chắn là phải có 5 chiếc ban chiều đã oanh kích phi trường Tân Sơn Nhất. Trong đầu tôi chợt thoáng lên một niềm thù hận: mình sẽ cố gắng đập nát tất cả các phi cơ nầy.. . . Đang suy nghĩ vẫn vơ chợt nghe văng vẳng mệnh lệnh của Phong Giao 01:
- Phong Giao sang tần số 6.
- 2,3,4 nhận rõ!
- Phong Giao thử vô tuyến!
- 2!
- 3!
- 4!
- Phong Giao vào đội hình chiến đấu, 1 và 3 đánh vào Bộ Chỉ Huy, 2 đánh vào phi đạo, 4 đánh vào bãi đậu phi cơ,. Tắt đèn khi roll-in. Thả 1 pass interval. Tập họp ở hướng Nam 20,500 bộ.
- 2 hiểu!
- 3 hiểu!
- 4 hiểu!
Tuần tự từng chiếc lao vào mục tiêu. Những đóm lửa loé sáng. . . những tiếng nổ phụ.. . . Tôi lao vào mục tiêu nhấm vào bãi đậu phi cơ, tôi bay xuống thấp. 3000, 2500 rồi 2000 bộ. Tôi bấm nút thả bom. . . Tôi kéo vụt phi cơ lên, quay lại nhìn . . .Bốn quả bôm nổ, phi cơ bị chao động mạnh, có lẽ tôi xuống quá thấp. . .
Phi trường tối đen không một ánh đèn. Chúng tôi không ghi nhận một hoả lực nào từ dưới đất. Có lẽ bè lủ Nguyễn Thành Trung quá vui mừng vì phi vụ thả bom xuống phi trường Tân Sơn Nhất ban chiều hoặc là vì chúng tôi trả đủa một cách quá bất ngờ nên chúng chưa kịp có phản ứng?. . .
Chỉ với 1 phi tuần 4 phi cơ A-37 với hoả lực quá ít oi, phi vụ trả đũa nầy không làm sao xoay trở tình thế, chỉ muốn cho bọn cộng sản biết rằng các phi công khu trục của VNCH sẳn sàng dập tắt những âm mưu xâm lăng của cộng sản.
*****
Oanh kích xong chúng tôi lên cao độ 20500 bộ, tập họp lại đổi sang tần số 3, báo cáo phi vụ hoàn tất cho Đài Kiểm Báo Paris rồi lấy hướng 210 trực chỉ Tân Sơn Nhất. . .Mọi người giử im lặng trên tần số.
Chúng tôi hạ cánh lúc 1 giờ 15 rạng ngày 29 tháng 4. Vào đến Phòng Hành Quân chưa kịp uống ly cà phê, đã phải tối tâm mặt mủi khi những quả pháo kích của địch rót xối xả vào những phi cơ A-37 đang đậu trên đường di chuyển (taxi way) (mãi cho đến giờ phút nầy chúng tôi vẫn không hiểu ai đã ra lịnh cho mang phi cơ ra đậu trên đường di chuyển).
Cộng quân tiếp tục pháo kích cho đến sáng, toàn bộ phi cơ A-37 của KĐ92CT hầu như bị phá hủy hoặc hư hại nặng, không còn có khả năng bay được nữa.
Ngày hôm sau (30 tháng 4), Tân Sơn Nhất vô cùng hỗn loạn, người người xuôi ngược tìm phương tiện thoát thân. May mắn cho thiếu tá Vũ Ngọc Liễn tìm được phi cơ xuống SĐ4KQ và sau đó đã tìm được phương tiện đi Utapao, hiện đang cùng gia đình định cư tại Lake Elsinore (CA).
Riêng cá nhân tôi, Tr/tá Thi và Th/tá Chấn dù có tìm đường lặn lội xuống tới Rạch Giá vẫn không thoát được số “tù”. Rồi cả 3 bị bắt vào trại “cải tạo”. Anh Thi (3 lần vô ra trại tù) tổng cộng 13 năm tù, tôi 10 năm rưởi, Chấn 9 năm. . . Chấn ra tù và vượt biên năm 1984, hiện đang sống cùng gia đình ở Orlando (FL). Tôi vượt biên năm 1986 và đang sống với gia đình tại San José (CA). Anh Thi đi diện HO năm 1992, định cư ở Dallas (Texas). Anh đột ngột mất đi ngày 12 tháng 1 năm 1995 trong nỗi cô đơn nơi xứ người.
Tôi viết lại hồi ký nầy để tưởng nhớ đến anh Nguyễn Văn Thi, một người chỉ huy giỏi, dũng cảm, một người anh và là một người bạn chân thành. Cũng xin gởi đến 2 bạn Chấn và Liễn, những người bạn cùng khóa (63A/SVSQKQ) đã cùng sát cánh bên nhau cho đến ngày tàn cuộc chiến.
KQ Tạ Thượng Tứ
Tháng Tư Đen 2014
…………………………………………� �……………………………
Ghi chú: Phi tuần Phong Giao
Số 1: Thiếu tá Nguyễn Phấn Chấn, Phi Đoàn Phó PĐ548 Ó Đen
Số 2: Thiếu tá Vũ Ngọc Liễn, Phi Đoàn Phó PĐ 524 Thiên Lôi
Số 3: Trung tá Nguyễn Văn Thi, Phi Đoàn Trưởng PĐ 534 Kim Ngưu
Số 4: Thiếu tá Tạ Thượng Tứ Trưởng Phòng Huấn Luyện KĐ92CT/Phan Rang
Kính phục những phi công VNCH. Trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm mà phi tuần Phong Giao vẫn hoàn thành phi vụ tuyệt vời. Nếu không có phi vụ trả đủa Phan Rang này, có thể bè lũ Nguyễn Thành Trung sẽ oanh kích Tân Sơn Nhất hoặc nơi nào đó của Saigon thêm một lần nữa và sẽ có những người bị chết oan ức.
ReplyDelete